Đâu chỉ là chuyện của nhà trường
* Dạ thưa, thông cảm, xin lỗi là màu mè, khách sáo ?
Hiện nay, một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là học sinh có những cách sống mà đôi khi họ khiến người lớn phải giật mình. Không khó để có thể nghe thấy những câu nói như: “Nhịn là nhục, cự là đục” từ các em học sinh. Nhiều lúc xảy ra gây gổ, lớn tiếng với nhau chỉ vì một câu nói, một cái nhìn, một chuyện hết sức tầm thường.
Hiện tượng ấy đã diễn ra khắp nơi, ở Hậu Giang cũng không ngoại lệ, khi không thiếu những hiện tượng đánh nhau, hay học sinh hút thuốc, uống rượu, thiếu lễ phép với thầy, cô giáo, người lớn tuổi hơn mình… Không chỉ dừng lại ở đó, những trường hợp học sinh vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng cũng đã xảy ra.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT, từ năm 2004 đến nay, có 1 vụ việc vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, đó là trường hợp học sinh Trường THPT Hòa An (nay là Trường THPT Lương Thế Vinh) đâm chết bạn ngay tại trường. Ngoài ra, còn 2 vụ việc nghiêm trọng khác cũng do học sinh đâm chết người nhưng ngoài phạm vi quản lý của nhà trường. Riêng năm 2009-2010, đã có gần 200 trường hợp học sinh gây gổ, đánh nhau và hăm dọa đánh bạn xảy ra trong nhà trường…
Cô Huỳnh Hình Bích Ngọc, giáo viên Trường THPT chuyên Vị Thanh, nói: “Thường thì lúc còn học tiểu học, các em rất ngoan, rất lễ phép; còn khi lên trung học, một bộ phận các em bắt đầu mất dần thói quen chào hỏi, nói chuyện dạ thưa, cám ơn, xin lỗi… Có em còn ngại ngùng khi thể hiện tình cảm, sự kính trọng của mình với thầy cô vì sợ bạn bè chọc là màu mè, khách sáo”.
Cô Bích Ngọc nêu điển hình như lớp 10 văn cô làm chủ nhiệm vào năm học 2008-2009, trong một tiết sinh hoạt, cô bảo lớp phó phổ biến thang điểm thi đua của lớp, khi nêu quy định xưng “mày, tao” sẽ bị trừ điểm thì bị học trò phản đối quyết liệt, nào là: “Quen miệng rồi cô ơi” hay “Xưng bạn, xưng tên nghe màu mè quá”…
Còn Thạc sĩ Hà Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, kể một vài cách ứng xử của một bộ phận học sinh, sinh viên ngày nay, mà theo thầy, điều đó đã khiến những người làm công tác giáo dục phải đau lòng. Đó là tình trạng nói tục, chửi thề, đầu tóc nhuộm vàng, vô phép với thầy cô, xem thường kỉ luật, hay khi vào trường học mặc những trang phục khó coi như quần bò đáy ngắn, áo thun không tay in những hình thù kì dị. Nghiêm trọng hơn, các em lại có ý nghĩ rằng đánh nhau là vì nghĩa, còn trang phục khó coi thì các em bảo là hợp thời, quay cóp trong kiểm tra thì các em lại cho là nhàn hạ…
* Vì đâu nên nỗi ?
Trước tình trạng văn hóa học đường ngày càng có nhiều vấn đề, người ta cũng đã cố gắng đi tìm kiếm những nguyên nhân. Nhưng liệu nguyên nhân của vấn đề đều xuất phát từ phía học sinh? Thạc sĩ Hà Hồng Vân cho rằng: “Tôi không nghĩ lỗi hoàn toàn thuộc về các em. Vấn đề xuống cấp của đạo đức, tuột dốc của văn hóa… ở một bộ phận tuổi trẻ bây giờ, lỗi về người lớn rất nhiều. Lỗi của người làm cha, làm mẹ, lỗi của người làm thầy, làm cô, lỗi của người thấy sai không sửa, thấy việc xấu không giáo nghiêm”.
Nói vậy, không phải là học sinh “vô tội” trong chuyện này. Khi hiện tượng tụ tập nhóm không chính thức có hành vi kiểu đại ca, học làm anh chị, cách xưng hô lố bịch, tác phong không đúng quy định, bao che khuyết điểm cho bạn, rủ rê bạn bỏ học để vào các điểm chơi game, bida.
Rồi để chứng tỏ mình là người lớn, các em hút thuốc lá, uống rượu và đáng buồn hơn là hiện tượng học sinh nữ xô xát nhau vẫn xảy ra. Nhưng vẫn không ngoại trừ trường hợp nhiều phụ huynh quá nuông chiều con em mình, gần như hoạt động giáo dục đều “khoán trắng” cho nhà trường, việc ấy đã gây ra nhiều khó khăn trong việc giáo dục học sinh ở trường và các hệ lụy không hay đã xảy…
* Cần sự quan tâm của toàn xã hội
Để “văn hóa học đường” phát triển theo chiều hướng tốt, phải cần đến sự quan tâm của toàn xã hội. Có lẽ đầu tiên phải từ giáo dục gia đình rồi đến trường học. Các cấp quản lý giáo dục cần phải có chủ trương, kế hoạch kiểm tra định kì giám sát, nhắc nhở.
Còn đội ngũ nhà giáo cần chú ý việc giáo dục và rèn được thói quen văn hóa cho học sinh. Cô Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang, nói: “Sự sa sút đáng báo động của văn hóa học đường, không chỉ xuất phát từ thầy và trò mà trong đó còn có trách nhiệm của toàn xã hội. Do đó, các cấp, các ngành, đoàn thể mà trước hết là ngành giáo dục cần có ý thức sâu sắc về vấn đề này để có kế hoạch phát triển môi trường văn hóa học đường phù hợp…”.
Việc giáo dục đạo đức, các vấn đề liên quan đến văn hóa của học sinh cần phải được làm tốt từ cấp học mẫu giáo và đòi hỏi phải có sự quan tâm, phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và xã hội. Đặc biệt, cần có sự phối hợp tốt từ phía gia đình, bởi những hành vi ứng xử từ các thành viên trong gia đình sẽ có ảnh hưởng lớn đến cách cư xử cũng như việc hình thành nhân cách học sinh.
Thực tế cho thấy “văn hóa học đường” không chỉ đòi hỏi học sinh phải biết ứng xử có văn hóa với thầy cô và các bạn cùng trang lứa mà còn yêu cầu giáo viên cần ứng xử có văn hóa, gương mẫu với học sinh và với đồng nghiệp, phải biết lắng nghe những băn khoăn, trăn trở của học sinh. Ngoài ra, các thầy cô cũng cần phải trang bị những kiến thức về tâm lý học lứa tuổi, tâm lý học sư phạm, kĩ năng sư phạm phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần chú ý đến những vấn đề giảng dạy lồng ghép vào các bài học trên lớp là những vấn đề gần gũi với thực tiễn, phải cân bằng và quan tâm việc dạy chữ cũng như dạy người. Về vấn đề này, thầy Hà Hồng Vân đề xuất từ kinh nghiệm của mình: “Hãy lồng vào trong câu văn, bài thơ là tình yêu ruột thịt, sự hiếu thuận; lồng vào trong bài giáo dục công dân là phép sống ngay thẳng, tuân thủ luật pháp; lồng ghép vào bài địa lý là vấn đề bảo vệ môi trường; trong những bài lịch sử là lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước…”.
Nếu nhận được sự quan tâm, góp sức từ mọi phía, việc giáo dục được duy trì ở mọi lúc, mọi nơi thì “văn hóa học đường” sẽ có những chuyển biến tích cực, giúp học sinh có cách nghĩ đúng đắn, thể hiện tình cảm và hành động tốt đẹp hơn.