Điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ

Điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ

Rối loạn phổ tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh, kéo dài suốt cuộc đời, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tương tác xã hội. Theo nghiên cứu của trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC, tỷ lệ mắc Tự kỷ trên thế giới năm 2018 là 1/59, tỷ lệ nam nữ là 4/1. Còn tại Việt Nam hiện chưa có thống kê cụ thể nào về số lượng trẻ mắc phải.

So với trẻ bình thường, trẻ tự kỷ thường ít tương tác xã hội, ít cử chỉ giao tiếp, chậm nói, chậm hiểu, phát âm vô nghĩa, nhiều hành vi kỳ quặc bất thường… Ngoài ra, một trong những đặc điểm thường thấy ở trẻ tự kỷ đó là trẻ bị rối loạn điều hòa cảm giác.

Thế nào là rối loạn điều hòa cảm giác

Thông thường, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta tiếp nhận thông tin từ môi trường sống qua hệ thống các giác quan: vị giác, xúc giác, khứu giác, thị giác, thính giác. Các thông tin đầu vào từ các cơ quan cảm giác này sẽ vào tiểu não và hành tủy, tiếp theo các tín hiệu được gửi đến các vùng vỏ não khác nhau để xử lý. Từ đó, con người mới có các chức năng về cảm giác, trí nhớ, nhận thức giúp con nguời hiểu được môi trường sống xung quanh và hoàn thành được những công việc hàng ngày. Song ở trẻ tự kỷ, các thông tin cảm giác đầu vào không được diễn giải một cách chính xác do sự rối loạn phát triển thần kinh. Các thông tin cảm giác thu nhận được không được não bộ phát hiện, tổ chức, sắp xếp và đáp ứng phù hợp.

Khi không có khả năng thiết lập cảm giác với thông tin đi kèm, trẻ có rối loạn điều hòa cảm giác thường không phát triển được nhận thức bình thường. Việc nghe, nhìn, cảm nhận, vận động khó khăn dẫn đến các hành vi, cử chỉ, bắt chước gặp trở ngại, thậm chí không thực hiện được.

Trẻ có thể chỉ bị rối loạn điều hòa cảm giác đơn thuần hoặc kèm theo các rối loạn khác như tăng động, tự kỷ, rối loạn lo âu… Tỷ lệ rối loạn điều hòa cảm giác cao ở các trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Với những trẻ tự kỷ có rối loạn điều hòa cảm giác, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những khác thường về hoạt động cảm giác. Chẳng hạn như:

– Đi lang thang không có mục đích, thích quay tròn, đu đưa, leo trèo chạy nhảy khắp nơi; thích chơi các trò cảm giác mạnh, chân tay hoạt động liên tục không nghỉ  hoặc có trẻ chỉ ngồi hoặc nằm dưới sàn nhà, đi nhón chân, bò, trườn…

– Sờ, chạm đồ vật, quăng, ném, cắn gặm, đập phá đồ, xé giấy, chui vào góc chật hẹp, thích vỗ tay, ít biết đau khi bị ngã hay va chạm với đồ vật, nghiến răng, không thích được ôm hay sờ..

– Thích nhìn các vật có ánh sang lấp lánh kim tuyến hoặc các vật có chuyển động nhanh và quay tròn như quạt trần, quay bánh xe, các hình ảnh động trong ti vi, điện thoại…thích đóng mở cửa, bật tắt công tắc điện (đèn, quạt). Ngược lại, có những trẻ sợ ánh sáng, tránh giao tiếp mắt…

– Tạo âm thanh đưa lên tai để nghe, ví dụ: đưa các tờ giấy vò vò tạo ra tiếng sột soạt, lắng nghe các âm thanh phát ra từ các con vật có gắn kèn, thích âm nhạc; không phản ứng khi được gọi tên, thờ ơ với tiếng nói của người khác. Ngược lại, trẻ có thể sợ tiếng máy xay sinh tố, tiếng khoan tường, còi xe …

– Ăn xà bông, gạo, vữa trát tường, các loại thức ăn chiên giòn, cứng, thức ăn có vị đậm đà, lạnh, cay, ngọt… hoặc không thích thức ăn nhão, mềm.

– Ngửi các đồ vật, đồ chơi, thức ăn, tóc của người khác…

Những khó khăn trẻ tự kỷ gặp phải do rối loạn điều hòa cảm giác

Trẻ tự kỷ khi bị rối loạn điều hòa cảm giác gặp khó khăn khi xử lý các thông tin cảm giác từ môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến khả năng tương tác, khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của trẻ. Chúng ta có thể thấy những khó khăn nổi bật mà trẻ có thể gặp phải như:

– Khó khăn kiểm soát cảm xúc và hành vi. Dễ bùng nổ, thất vọng hoặc khó nhường nhịn người khác, dễ mất tập trung chú ý, hay xao nhãng, trí nhớ kém.

– Thích chơi một mình, khó khăn khi kết bạn, tham gia chơi cùng bạn và duy trì cuộc chơi..

– Chậm về giao tiếp và ngôn ngữ, khó tham gia giao tiếp hai chiều.

– Khó khăn khi dùng ngôn ngữ để thể hiện ý tưởng, suy nghĩ, và cảm xúc cũng như đọc hiểu

– Khó khăn vận động tinh và thô: kỹ năng vận động kém,vụng về, khó phối hợp tay mắt, thăng bằng kém, kỹ năng viết yếu.

– Khó kiểm soát vận động đúng tầm, cử động quá nhanh quá mạnh.

– Khó ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ, ăn uống không đa dạng, kén ăn…

Nếu không được can thiệp, những khó khăn trên sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như tới nhận thức của trẻ tự kỷ.

Phải làm gì để giúp trẻ tự kỷ điều hòa cảm giác?

Điều hòa cảm giác là một liệu pháp vận động – giác quan cho trẻ tự kỷ. Điều hòa cảm giác, thường do kỹ thuật viên phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu hay âm ngữ trị liệu làm, tập trung vào việc giúp trẻ bớt nhạy cảm và tái tổ chức thông tin đến từ các giác quan. Các hoạt động vận động cảm giác cần phải được lập kế hoạch cẩn thận, kết hợp với các dụng cụ hỗ trợ phù hợp kèm theo phụ thuộc lứa tuổi, trình độ nhận thức và khả năng tiếp nhận của từng trẻ một để chúng ta áp dụng một cách thành công và hiệu quả.

Một số hoạt động điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ như sau:

* Các hoạt động liên quan đến hệ tiền đình và vận động

– Lăn tròn trên sàn nhà, lộn người về phía trước

– Nhảy qua dây, ngồi xích đu, đu dây

– Đi bộ, chạy, bơi lội

– Các trò chơi xoay vòng tròn, nhún lắc hoặc đẩy ghế

– Ngồi hoặc lăn mình trên bóng nhiều tư thế

– Kéo ,đẩy, ném

– Mang, vác, khoác ba lô

* Các hoạt động liên quan đến xúc giác

– Chà xát lên da: sử dụng vải mềm, bàn chải…

– Vuốt ve, tạo các kích thích nhẹ như kiến bò hoặc cù nách…

– Chơi bột nặn, đất nặn

– Vẽ bằng đầu ngón tay, chơi với cát, gạo, nước

– Đồ chơi bóp được, có tiếng kêu (chút chít, thú mềm…)

– Sử dụng đồ vật: kéo cắt, sáp, bút màu, bàn chải, lược…

– Xâu hạt, trò chơi xây dựng.

– Mát-xa hoặc tạo cảm giác sâu trên bề mặt

* Các hoạt động liên quan đến thính giác, thị giác:

Điều chỉnh âm thanh, ánh sáng, màu sắc cho phù hợp, sau đó dần chuyển sang các cường độ khác.

* Cải thiện vị giác:

Nên tập cho trẻ nhai thức ăn, cho ăn uống đa dạng. Nếu trẻ không thích một món ăn thì nên cho trẻ làm quen dần, ăn từng ít một, có xen kẽ với thức ăn trẻ vẫn ưa thích.

Tất nhiên, các bài tập điều hòa cảm giác sẽ được lên kế hoạch sao cho phù hợp với từng độ tuổi, mức độ khó khăn của trẻ, từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Khi làm tốt điều hòa cảm giác, hệ tiền đình của trẻ sẽ giúp trẻ tự kỷ cải thiện khả năng giữ thăng bằng, sự tập trung, giúp giảm tỉ lệ những hành vi tự kích thích và những hành vi tự làm đau bản thân, giúp trẻ tăng cường khả năng chú ý quan sát, cải thiện tương tác giao tiếp mắt, khám phá môi trường sống và từ đó có cải thiện về ngôn ngữ, tư duy và ảnh hưởng đến sự cảm nhận về cơ thể và định hình vận động.

Mỗi một sự tiến bộ của trẻ chính là sự nỗ lực hết mình của phụ huynh, kỹ thuật viên can thiệp và của chính bản thân trẻ. Điều đó tiếp thêm động lực để chúng ta cố gắng mỗi ngày giúp trẻ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng.


>> Tác giả:  Nguyễn Thị Ngọc Anh – Tổ Tâm bệnh – Khoa Thần kinh phục hồi chức năng – Bệnh viện sản nhi Nghệ An

>> Nguồn: http://www.sannhinghean.vn/tin-tuc-8/dieu-hoa-cam-giac-cho-tre-tu-ky-472

   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *