Giáo viên không biết tâm lý học sinh

Giáo viên không biết tâm lý học sinh

Không được tư vấn tâm lý để giải tỏa những áp lực của mình, nhiều học sinh (HS) đã bị trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết.

Hơn 90% học sinh có vướng mắc cần chia sẻ

Không ít tin tức về những vụ tự tử gần đây của HS đã khiến các bậc phụ huynh đau lòng. Các em ra đi vì nhiều lý do. Có em vì áp lực học hành, có em là chuyện riêng không chia sẻ được với ai…

Theo một cuộc khảo sát mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) từng công bố sau khi tiến hành ở một số trường phổ thông và ĐH tại Hà Nội, Hải Dương, có đến 93,57% HS, sinh viên được hỏi gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần phải chia sẻ trong học tập và đời sống hằng ngày. Tỉ lệ này ở bậc phổ thông là 95,33% và ĐH là 85,92%. Đặc biệt, ở lứa tuổi HS phổ thông, mức độ thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ là 80,17%, cao hơn bậc ĐH.

Nhiều vấn đề HS gặp phải như cha mẹ ít dành thời gian cho con, cha mẹ ly hôn, gia đình không hạnh phúc, áp lực học hành, thi cử, quan hệ bạn bè, những thất vọng trong cuộc sống… đã tác động rất lớn đến tâm lý các em. Những điều này đã dẫn đến hậu quả đau xót là HS tự làm đau bản thân, hủy hoại cuộc sống của mình.

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng – cho rằng HS THPT (15-18 tuổi) ở vào giai đoạn sau của tuổi vị thành niên, giai đoạn mà sự phát triển về thể chất đã tương đối ổn định nhưng lại chưa đủ trưởng thành về mặt tâm lý. Sự thay đổi từ vị trí phụ thuộc của trẻ con sang vị trí tự quyết của người lớn đặt trẻ vào tình trạng không ổn định, thất thường. Tuy nhiên, giữa những biểu hiện bất thường về tâm lý và những rối nhiễu tâm thần bệnh lý là một ranh giới đôi khi rất mong manh. Vì vậy, làm sao để phát hiện, tiên lượng và can thiệp sớm là vấn đề đặt ra cho tất cả nhà tâm lý học đường.

Thành lập tổ tư vấn tâm lý trong nhà trường

Kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy đa phần HS, sinh viên mong muốn trong nhà trường có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản, có chuyên môn về tâm lý học đường để các em chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống. Một số HS, sinh viên bày tỏ khi chia sẻ với cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách, các em đỡ e ngại hơn so với thầy cô chủ nhiệm, cán bộ quản lý hay giáo viên kiêm nhiệm.

Thực tế, việc chăm sóc sức khỏe tâm lý HS hiện còn mang tính hình thức và tự phát. Phần lớn các trường không có biên chế riêng cho giáo viên tư vấn tâm lý HS mà sử dụng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm như giáo viên bộ môn, giám thị…

Để tháo gỡ và giải quyết khó khăn cho HS cũng như các trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa vừa ký ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho HS trong trường phổ thông. Theo đó, hiệu trưởng các trường có trách nhiệm thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ HS của trường; chỉ đạo và xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho HS. Ngoài ra, tổ chức khảo sát, xây dựng dữ liệu tâm lý ban đầu đối với HS đầu cấp học; phân loại, theo dõi, cập nhật thường xuyên đặc điểm, diễn biến tâm lý của HS.

Theo bà Nghĩa, nội dung tư vấn bao gồm tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên cho phù hợp với lứa tuổi; giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng chống bạo lực, xâm hại…

Bên cạnh đó là tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác; tư vấn các kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp; tham vấn tâm lý đối với HS gặp khó khăn cần hỗ trợ, can thiệp, giải quyết kịp thời.

Tổ tư vấn tâm lý cũng phải giới thiệu, hỗ trợ, đưa HS đến các cơ sở, chuyên gia điều trị tâm lý đối với các trường hợp bị rối loạn tâm lý nằm ngoài khả năng tư vấn của nhà trường…

” Nghiên cứu chế độ chính sách cho giáo viên tư vấn

Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu cho UBND các cấp về chế độ, chính sách liên quan để hỗ trợ, động viên cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm thực hiện công tác tư vấn tâm lý, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý được hưởng định mức giảm tiết dạy theo quy định”.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *