Hiện tượng trẻ cô đơn và những bi kịch

Hiện tượng trẻ cô đơn và những bi kịch

 

 

Năm 2006 với 3 vụ tập thể và hàng chục vụ tự tử cá nhân ở lứa tuổi học sinh gây xôn xao dư luận xã hội. Có nhiều học sinh thi trượt đại học cũng tìm đến cái chết hoặc vì bức xúc trong mối quan hệ bạn bè, cha mẹ, thầy cô mà bỏ nhà đi bụi, tìm đến ma túy… Thậm chí không ít sinh viên do áp lực tâm lý mà kết quả học tập và rèn luyện bị giảm sút, liên tục có hành vi, thái độ lệch chuẩn… Theo các chuyên gia tâm lý, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của các hiện tượng trên là do công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường, gia đình và xã hội chưa đạt hiệu quả mong muốn. Một chuyên gia khẳng định: Nhiều trẻ đang bị “bỏ đói” về tư vấn tâm lý và cô đơn!

Âm thầm chịu đựng – Nguy cơ bùng phát hành động tiêu cực

Có tới 96% học sinh có băn khoăn, lo lắng ở những mức độ khác nhau và đáng lo ngại hơn là có tới 44% số học sinh khi gặp những khó khăn thường “âm thầm chịu đựng” – Nhóm chuyên gia tâm lý (ĐH Sư phạm Hà Nội) nhận định: “Ở lứa tuổi với sự phát triển nhanh chóng nhưng thiếu cân bằng, chưa ổn định và dễ xúc động thì âm thầm chịu đựng là dấu hiệu không bình thường, báo hiệu sự phá phách ngầm bên trong…”

Bối rối tuổi teen

Theo kết quả nghiên cứu “Nhu cầu tham vấn của học sinh một số trường trung học trên địa bàn Hà Nội” của nhóm chuyên gia tâm lý (ĐH Sư phạm Hà Nội) hoàn thành vào tháng 5/2006 cho thấy, thái độ của học sinh về cuộc sống hiện tại quả đáng lo ngại. Với 546 học sinh THCS và THPT tham gia nghiên cứu, số học sinh cảm thấy “rất hài lòng và yên tâm” chiếm tỷ lệ 3,2%! Trong khi đó, hơn 96% HS đều có băn khoăn, lo lắng ở những mức độ khác nhau, trong đó mức lo lắng xen lẫn hài lòng hơn 70%.

Kết quả này cho thấy, tâm trạng lo lắng, bất an là hiện tượng tồn tại phổ biến ở các học sinh. “Điều này gián tiếp phản ánh, cuộc sống của các em có quá nhiều áp lực và những áp lực đó chi phối tới các em một cách tiêu cực”.

(Có tới 96% học sinh có băn khoăn, lo lắng ở những mức độ khác nhau và đáng lo ngại hơn là có tới 44% số học sinh khi gặp những khó khăn thường “âm thầm chịu đựng”_ ảnh minh họa)

Sau khi phỏng vấn sâu gần 400 học sinh, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số lĩnh vực thường nảy sinh khó khăn tâm lý ở học sinh. 27,75% giới teen đang gặp những khó khăn trong quan hệ với người khác (cha mẹ, gia đình, quan hệ với bạn bè và thầy cô giáo…) và 20% bối rối trong việc ý thức về các vấn đề của bản thân (sự đánh giá của người khác về mình, sự tự phát triển của bản thân, học tập, tu dưỡng đạo đức, ước mơ, lý tưởng và nghề nghiệp tương lai)…

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân gây khó khăn tâm lý cho học sinh xuất phát từ chính quan hệ với… cha mẹ! Có tới 85% học sinh chịu sức ép từ phía gia đình và khó khăn từ phía bản thân, trong khi những nguyên nhân xuất phát từ phía nhà trường chiếm tỷ lệ thấp, 14,9%.

Em Đ.T.H (THCS Nghĩa Tân, Hà Nội) thổ lộ: “Từ đầu năm học, bố mẹ em đã bắt đi học thêm tất cả các môn để thi tốt nghiệp. Em lại phải tiếp tục học thêm để thi THPT nữa. Nhiều lúc em căng thẳng không học nổi, rồi từ lúc tách lớp, em thấy khó hòa nhập với các bạn ở đây…”

Nhà tâm lý nhấn mạnh: “Có tới 54,7% học sinh cho rằng, cha mẹ không hiểu con cái và có 17,6% các em mất niềm tin vào cha mẹ! Đây là lứa tuổi diễn ra những thay đổi lớn về tâm sinh lý. Các em chưa hẳn là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con trong khi đó nhiều bậc phụ huynh chưa nhận rõ điều này để có những ứng xử phù hợp với con cái nên dẫn đến sự không hiểu nói trên”.

Bị cô lập trước khó khăn!

Trước những khó khăn về tâm lý, có tới 44% lựa chọn hình thức phó mặc và 16,6% các em tự tìm cách giải quyết trong khi đó chỉ có hơn 20% số trẻ tâm sự với người khác… “Thật bất ngờ và đáng thương cho bọn trẻ khi kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 44% các em thường “âm thầm chịu đựng” khi gặp phải những khó khăn tâm lý – Chuyên gia tâm lý bày tỏ – “Dù đó là phương thức thường thấy ở trẻ em, có thể giúp trẻ hình thành tính kiên trì và khả năng chịu đựng, nhưng thực tế, đây là cách giải quyết không tích cực”.

Theo lý giải của các chuyên gia tâm lý, trước mọi khó khăn, trẻ luôn phải âm thầm chịu đựng một mình là báo hiệu nguy cơ tích tụ những khó khăn tâm lý. Những ấm ức bị dồn nén quá mức, những khó khăn tồn tại quá lâu sẽ dẫn đến sự bột phát về hành vi và gây ra những hậu quả khôn lường như tự tử, phạm pháp, nói dối…

trẻ cô đơn và những bi kịch3

(Những ấm ức bị dồn nén quá mức, những khó khăn tồn tại quá lâu sẽ dẫn đến sự bột phát về hành vi và gây ra những hành vi tiêu cực_ ảnh minh họa)

Đối với lứa tuổi đang diễn ra những thay đổi về tâm sinh lý nhanh chóng như thiếu cân bằng, chưa ổn định và dễ xúc động thì âm thầm chịu đựng và phó mặc là dấu hiệu không bình thường, báo hiệu sự hủy hoại hoặc phá phách ngầm bên trong. Những ảnh hưởng do khó khăn tâm lý gây ra mang tính tiêu cực, để lại tâm trạng lo lắng, tủi thân, uất ức, thậm chí có ý định tự tử.

Một học sinh lớp 7 có mâu thuẫn gay gắt với mẹ tâm sự: “Rất ít khi em được mẹ gọi em bằng con xưng mẹ. Từ mẹ thường gọi là “tao” xưng “mày”! Mẹ còn bảo mẹ nuôi em chỉ là nghĩa vụ chứ chẳng có tình cảm gì cả. Em không hiểu vì sao lại thế”.

Các chuyên gia tâm lý phân tích, khi gặp khó khăn, cách tích cực nhất mà các em lựa chọn là tâm sự với người khác (20,3%). Tuy nhiên, đối tượng tâm sự chủ yếu của giới teen là bạn bè và việc tâm sự đó chỉ để giải tỏa những căng thẳng nhất thời! Cách giải quyết này đôi khi dồn trẻ vào thế bế tắc hơn bởi đôi khi do hiểu biết có hạn, các em định hướng cho nhau theo chiều hướng sai lệch, dẫn đến việc bao che khuyết điểm cho bạn. Với 14,2% số trẻ lựa chọn cách giải quyết là “phó mặc” và 4,9% số trẻ không biết cách giải quyết dẫn đến hoang mang, lo sợ và thụ động. Trong khi đó các em ít tâm sự với cha mẹ và thầy cô. Đây là một thực tế khách quan, gắn với đặc điểm lứa tuổi của tuổi teen nhưng đồng thời cũng đặt ra vấn đề giáo viên và cha mẹ cần gần gũi, trở thành những người bạn tin cậy đối với học sinh, khuyến khích học sinh giải tỏa những bức xúc…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *