Hiệu ứng Diderot

Hiệu ứng Diderot

Gần như cả cuộc đời, triết gia nổi tiếng người Pháp Denis Diderot đã sống trong cảnh nghèo khó; nhưng vào năm 1765 thì tất cả đều thay đổi.

Khi ấy, Diderot đã 52 tuổi và con gái ông thì sắp kết hôn, nhưng ông lại không đủ tiền lo của hồi môn cho con. Dù nghèo túng, Diderot vẫn được nhiều người biết đến vì ông là tác giả của bộ Encyclopédie, một trong những bộ bách khoa toàn thư đầy đủ nhất mọi thời đại.

Khi nữ hoàng Catherine Đại đế của nước Nga biết Diderot gặp khó khăn tài chính, bà đã đề nghị mua lại thư viện của ông với giá 1.000 bảng Anh, tương đương 50.000 đô la Mỹ vào năm 2015. Thoáng chốc, Diderot đã trở nên giàu có.

Không lâu sau thương vụ may mắn này, Diderot đã mua một chiếc áo choàng mới màu đỏ tươi. Đó là lúc mọi chuyện trở nên không ổn.

Chiếc áo choàng đỏ của Diderot rất đẹp. Thực ra, nó đẹp đến mức ông lập tức nhận ra rằng nó trông thật lạc lõng giữa những vật dụng bình thường trong nhà. Theo lời ông, chiếc áo choàng và các đồ vật còn lại của ông “không hài hòa và tương xứng với nhau”. Vị triết gia sớm cảm thấy muốn mua thêm vài món đồ mới cho xứng với vẻ đẹp của chiếc áo choàng.

Ông thay thảm cũ bằng một chiếc thảm mới xuất xứ từ Damascus. Ông trang trí nhà cửa bằng những bức tượng xinh đẹp và một cái bàn ăn tốt hơn. Ông mua một cái gương mới đặt bên trên chiếc áo choàng, và “ông bỏ cái ghế rơm ra tiền sảnh và thay thế nó bằng một cái ghế da.”

Hành vi mua sắm theo hứng này được biết đến với tên gọi “Hiệu ứng Diderot”.

Hiệu ứng Diderot là gì?

Hiệu ứng Diderot mô tả việc sở hữu một món đồ mới thường tạo ra tâm lý mua sắm nhiều hơn và dẫn đến “vòng xoáy mua sắm” khiến chúng ta tiêu tiền vào những thứ mình không thật sự cần. Kết quả là chúng ta mua những thứ mà thậm chí trước kia mình chẳng bao giờ nghĩ tới.

Hiệu ứng Diderot là một hiện tượng tâm lý xã hội có liên quan đến hàng tiêu dùng bao gồm hai ý tưởng:

– Đầu tiên là hàng hóa được thanh toán bởi người tiêu dùng sẽ gắn kết (cohesive) với cảm giác của họ về bản sắc (identity), và như một kết quả, sẽ đòi hỏi một sự bổ sung của những món đồ liên quan khác khác.

– Thứ hai là sự sở hữu một đồ vật mới lệch chuẩn so với những món đồ bổ sung hiện tại của người tiêu dùng có thể dẫn đến một quá trình xoắn ốc (spiraling) tiêu thụ.

Thuật ngữ này được đặt ra bởi nhà nhân chủng học và nhà nghiên cứu của mô hình tiêu thụ Grant McCracken vào năm 1988, và được đặt theo tên nhà triết học người Pháp Denis Diderot (1713–1784), người đầu tiên mô tả hiệu ứng này trong tiểu luận: “Regrets on Parting with My Old Dressing Gown” (Sự hối tiếc về việc chia tay cái áo choàng cũ của tôi).

Lý do bạn muốn sở hữu những thứ mình không cần:

Rất nhiều người đã từng là nạn nhân của hiệu ứng Diderot. Vì dụ một người vừa mua một chiếc xe ô tô mới và quyết định sắm thêm một loạt những thứ linh tinh khác để đặt vào xe. Anh ta mua đồng hồ đo áp suất vỏ xe, một đầu sạc điện thoại di động trên xe ô tô, một cây dù, một bộ dụng cụ sơ cứu, một con dao bỏ túi, một cái đèn pin, vài cái chăn cứu hộ và thậm chí là dụng cụ cắt dây an toàn.

Thế nhưng khi còn sở hữu chiếc xe cũ thì anh ta chưa bao giờ cảm thấy cần thiết phải mua bất cứ thứ gì trong những thứ kể trên. Chỉ sau khi tậu chiếc xe mới bóng loáng, bị rơi vào vòng xoáy mua sắm hệt như Diderot.

Bạn có thể bắt gặp những hành vi tương tự ở nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống:

– Ví dụ vợ bạn vừa mùa một chiếc váy mới và sau đó quyết định mua thêm đôi giày và cặp bông tái mới cho tương xứng.

– Bạn mua một thẻ thành viên ở câu lạc bộ thể hình, và không lâu sau đó quyết định bỏ tiền ra mua nào là ống lăn (dụng cụ mát-xa cơ sau khi tập thể dục), băng quấn đầu gối, dây quấn cổ tay và những bộ thực đơn ăn kiêng kiểu Paleo.

(Ảnh minh họa)

– Bạn sắm cho cô con gái yêu của mình một con búp bê và tiếp tục mua thêm nhiều phụ kiện cho búp bê mà trước giờ bạn không biết là có tồn tại.

– Bạn mua bộ sô pha mới và chợt nhận ra bạn không hề thích bài trí của căn phòng lúc này. Vấn đề ở những chiếc ghế tựa, bàn trà, chiếc thảm hay là ở tất cả mọi thứ. Liệu bạn có cần thay đổi?

Xu hướng tự nhiên của cuộc sống là sự tích lũy. Hiếm khi chúng ta nghĩ đến việc đơn giản hóa, loại bỏ hay giảm bớt. Thay vào đó, khuynh hướng tự nhiên của chúng ta luôn luôn là tích lũy, nâng cấp và mua thêm những đồ vật mới.

Tác hại của hiệu ứng Diderot

– Nếu như bạn là một người cực kỳ giàu có, vậy thì thỉnh thoảng bỏ tiền ra mua sắm một cách tùy hứng cũng chẳng hại gì. Tuy nhiên, phần lớn mọi người trong xã hội đều không quá dư dả về tài chính. Chúng ta có những thứ quan trọng hơn cần phải chi tiền. Nếu cứ mua các vật dụng không cần thiết một cách vô tộ vạ, chúng ta sẽ mất đi khoản tiền quý giá mà đáng lẽ có thể sử dụng một cách hợp lý để cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng hạnh phúc của bản thân.

                                                     (Ảnh minh họa)

– Hiệu ứng Diderot cũng có thể khiến bạn gặp rắc rối về tài chính, thậm chí lâm vào tình trạng nợ nần.

– Những vật dụng không cần thiết liên tục gia tăng sẽ chiếm nhiều không gian sống trong ngôi nhà của bạn. Không những thế, nó còn tiêu tốn của bạn rất nhiều thời gian và công sức để sắp xếp, dọn dẹp.

Kiểm soát bản thân để không rơi vào hiệu ứng Diderot:

– Nhận thức được hiệu ứng Diderot đang xảy ra với bạn: mỗi khi mua sắm, hãy quan sát và để ý xem liệu có phải bạn mua món đồ đó vì nhu cầu thật sự hay chỉ vì những lý do hời hợt.

– Giảm tiếp xúc với những yếu tố gợi nên việc mua sắm không cần thiết: Hầu như tất cả mọi thói quen đều được khởi xướng bởi những nhân tố gợi nhắc hay kích thích. Một trong những cách nhanh nhất làm giảm sức mạnh của hiệu ứng Diderot là tránh những nhân tố gợi nhắc bạn đến việc mua sắm. Hãy hủy đăng ký theo dõi những email quảng cáo. Hãy từ chối nhận catalogue từ các tạp chí và không nhận thư giới thiệu của họ. Hãy gặp gỡ bạn bè ở công viên thay vì trung tâm thương mại. Hạn chế ghé thăm các trang web mua sắm yêu thích khi bạn không thật sự có nhu cầu mua sắm.

– Mua những đồ vật phụ hợp với tình trạng đồ đạc hiện tại mà bạn sở hữu: Bạn không cần phải đổi mới tất cả mọi thứ mỗi khi sắm một món đồ mới. Khi bạn mua quần áo mới, hãy tìm mua những bộ đồ phù hợp với những thứ sẵn có trong tủ áo. Khi bạn mua thiết bị điện tử, hãy đảm bảo nó phù hợp với những thiết bị trong nhà để tránh mua thêm đồ sạc, nắn điện hoặc dây cáp mới.

– Tự thiết lập một giới hạn chi tiêu cho bản thân, ví dụ giới hạn số tiền sẽ chi tiêu vào việc mua quần áo trong 3 tháng tới. Cố gắng không chi tiêu vượt quá giới hạn định trước này.

– Mua một, cho đi một: Mỗi lần mua một món đồ mới hãy cho đi một món đồ cũ. Mua TV mới ư? Hãy cho bạn bè, hàng xóm hoặc họ hàng của bạn chiếc TV cũ thay vì chuyển nó đến căn phòng khác. Ý tưởng này nhằm hạn chế số lượng đồ đạc tăng thêm. Hãy luôn lựa chọn kỹ càng để cuộc sống của bạn chỉ có niềm vui và hạnh phúc.

– Thử sống một tháng mà không mua đồ mới: Đừng cho phép bản thân mình mua bất kỳ món gì mới trong một tháng (tất nhiên là ngoại trừ nhu yếu phẩm). Thay vì mua máy cắt cỏ mới, hãy mượn máy cắt cỏ của hàng xóm. Khi chúng ta càng biết nghiêm khắc với bản thân thì chúng ta xoay xở mọi thứ càng dễ dàng hơn.

– Từ bỏ ham muốn sở hữu những xa xỉ phẩm khi điều kiện kinh tế của bạn chưa cho phép: Mong muốn sở hữu của con người dường như vô tận. Luôn có thứ gì đó mới mẻ mà bạn muốn mua. Khi có chiếc Honda thì bạn muốn mua Mercedes. Khi đã có Mercedes, bạn lại mơ ước một chiếc Bentley. Khi đã có Bentley, bạn lại mơ tưởng đến Ferrari… Hãy nhớ rằng mong muốn sở hữu vật chất chỉ là một suy nghĩ tâm trí bạn đưa ra không phải là mệnh lệnh bạn phải tuân theo. Đừng cố gắng mua những thứ vượt quá năng lực tài chính hiện tại của bạn.

– Phân tích và dự đoán toàn bộ chi phí mua hàng trong tương lai. Một cửa hàng có thể đang giảm giá lớn một bộ trang phục, nhưng nếu bộ quần áo mới buộc bạn phải mua một đôi giày mới hoặc túi xách để phù hợp, nó đã biến thành việc chi tiêu nhiều tiền hơn so với giả định ban đầu.

– Khi mua sắm, chỉ tập trung vào nhu cầu thực tế và tác dụng của sản phẩm: Hãy mua hàng vì tính hữu dụng của đồ vật đó chứ không phải để gây ấn tượng hoặc khoe khoang với người khác.

>>Trích nguồn:https://ubrand.cool/courses <<

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *