Hiệu ứng tâm lý Rosenthal

Hiệu ứng tâm lý Rosenthal

 

Nhà tâm lý học Mỹ kiệt xuất Robert Rosenthal có lần đến nghiên cứu việc giảng dạy ở một trường tiểu học nọ. Một hôm ông tuyên bố với lãnh đạo nhà trường là ông sẽ làm một cuộc “Trắc nghiệm xu thế phát triển trong tương lai”. Rồi ông đưa cho hiệu trưởng và các giáo viên liên quan một bản danh sách “Những học sinh có triển vọng học giỏi nhất” và nói với giọng tán thưởng cứ như thật về các em học sinh có tên trong bản danh sách đó. Ông dặn họ giữ kín chuyện này, nhằm tránh ảnh hưởng tới tính chính xác của kết quả trắc nghiệm.

Kỳ thực Rosenthal chỉ tung ra một “Lời dối trá có tính quyền uy” mà thôi, vì các học sinh trong danh sách ấy đều do ông tùy tiện nhặt ra mà không qua sự lựa chọn nào cả.

Tám tháng sau, chuyện thần kỳ xuất hiện: tất cả các học sinh trong danh sách của Rosenthal đều có tiến bộ rõ rệt trong học tập, đạt thành tích xuất sắc trên tất cả các mặt.

Thành công của Rosenthal là ở chỗ các kết luận có tính quyền uy của ông đã khiến cho các em học sinh tự nhận thấy mình là người giỏi giang xuất chúng, qua đó chúng vô cùng phấn khởi và tự tin; trong học tập xuất hiện phong trào sôi nổi ganh đua, thúc đẩy các em phát huy tiềm năng của mình, ai cũng cố giành phần thắng.

“Bản chất của giáo dục là khích lệ, cổ vũ, thức tỉnh” – ai đó từng nói như vậy. Người nào biết cách cổ vũ và khích lệ học sinh thì người đó sẽ thành công. Rosenthal chẳng qua cũng chỉ làm đúng như thế mà thôi, nhưng vì ông là nhân vật có quyền uy trong giới học thuật nên lời nói của ông có sức nặng hơn người, do đó tạo ra hiệu quả người ta gọi là “Hiệu ứng Rosenthal” hoặc hiệu ứng Pygmalion [1]. Hiệu ứng nói trên thông thường được gọi là “Hiệu ứng do mong mỏi của thày giáo” (teacher-expectancy effect), khi đó các học sinh học tốt hơn trước đơn giản chỉ vì chúng thấy mình được thày cô mong đợi làm như thế.

Robert Rosenthal là giáo sư của hai trường đại học California và Harvard, từng được tặng rất nhiều giải thưởng cao quý. Năm 1968/1992, ông cùng với Lenore Jacobson tiến hành các thực nghiệm phát hiện hiệu ứng trên.

[1] Theo thần thoại Hy Lạp, Pygmalion là vua đảo Síp (Cyprus), giỏi điêu khắc, yêu mê mệt bức tượng thiếu nữ do chính mình tạc ra. Thấy thế, nữ thần tình yêu Aphrodite đã thổi hồn cho bức tượng sống dậy để hai người thành vợ chồng. (NH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *