Hiểu và vượt qua sang chấn tâm lý

Hiểu và vượt qua sang chấn tâm lý
TTừ ‘trauma’ (chấn thương, tổn thương, sang chấn về cảm xúc gây tác hại lâu dài) xuất phát từ thuật ngữ ‘wound´ (vết thương, thương tích) trong tiếng Hy Lạp. Các sự kiện gây căng thẳng hay sợ hãi cao độ có thể gây ra một vết thương về mặt tâm lý – sau khi trải qua, nó gây khó khăn trong cuộc sống. Phản ứng của tất cả mọi người đều khó khăn nhưng phần lớn những ai trải qua sự kiện gây sang chấn đều hồi phục tốt với sự giúp đỡ của gia đình, bạn hữu và đều không gặp vấn đề gì xét về dài hạn. Nếu gặp vấn đề, thì nó thường xuất hiện ngay sau sự kiện gây sang chấn hoặc là không hề nổi lên trong một thời gian dài.

Sự kiện nào có thể gây sang chấn?
Các sự kiện có tiềm năng gây sang chấn là những việc xảy ra có sức mạnh, làm đảo lộn, rối loạn, đau khổ, xâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của con người. Các sự việc này thường được xác định là các trải nghiệm mang tính đe dọa đối với cuộc sống hoặc đe dọa đáng kể đối với sức khỏe thể chất và tâm lý của một người.
Một sự kiện có thể có tác động khác nhau với các cá nhân khác nhau: ít có tác động tới người này nhưng lại gây căng thẳng cao độ với người kia. Sự tác động này có thể liên quan đến sức khỏe thể chất và tâm lý của con người cũng như mức độ hỗ trợ xã hội, trải nghiệm trong quá khứ và kỹ năng ứng phó của từng cá nhân khác nhau.

Các tình huống và sự kiện có thể dẫn tới trải nghiệm sang chấn bao gồm: 
• Các hành động bạo lực như cướp có vũ trang, chiến tranh, khủng bố.
• Các thảm họa thiên nhiên như hỏa hoạn, động đất, bão lụt, sạt lở đất…
• Bạo lực liên quan đến các nhân như hiếp dâm, bị lạm dụng lúc còn nhỏ, người thân, bạn thân tự vẫn.
• Liên quan đến một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hoặc tai nạn ở nơi làm việc.
Các tình huống ít nghiêm trọng hơn nhưng vẫn gây căng thẳng có thể châm ngòi cho những phản ứng mang tính sang chấn ở một số người.

Triệu chứng của sang chấn tâm lý là gì?
Nhiều người có các phản ứng thể chất và cảm xúc mạnh mẽ sau khi trải nghiệm một sự kiện gây sang chấn. Đối với phần lớn, các triệu chứng này sẽ dịu bớt sau vài ngày hoặc vài tuần. Với một số người, các triệu chứng này có thể kéo dài hơn và mang tính chất nghiêm trọng hơn. Điều này xảy ra vì một số yếu tố như bản chất của sự kiện gây sang chấn, mức độ hỗ trợ mà cá nhân có thể nhận được từ gia đình, người thân, nhà chuyên môn, các căng thẳng trong quá khứ và hiện tại, đặc điểm nhân cách và nguồn lực ứng phó.
Có thể mô tả các triệu chứng/dấu hiệu sang chấn từ khía cạnh thể chất, nhận thức (tư duy), hành vi (việc mà chúng ta làm) và cảm xúc.

Thể chất
• Cảnh giác quá mức, luôn tìm kiếm các dấu hiệu của sự nguy hiểm
• Dễ giật mình
• Mệt mỏi/kiệt sức
• Ngủ không yên giấc
• Đau mỏi và đau đớn

Nhận thức (tư duy) 
• Suy nghĩ và ký ức về sự kiện (dù không muốn)
• Hình dung về sự kiện
• Các cơn ác mộng
• Tập trung và trí nhớ kém
• Mất định hướng
• Nhầm lẫn

Hành vi 

• Né tránh những địa điểm và hoạt động gợi nhớ đến sự kiện gây sang chấn
• Né tránh tiếp xúc hoặc cách ly về mặt xã hội
• Mất hứng thú trong các hoạt động thường nhật

Cảm xúc
• Sợ hãi
• Tê liệt hoặc tách rời
• Trầm cảm
• Tội lỗi
• Tức giận và dễ bị kích động
• Lo âu và hoảng loạn

Nếu như không quá nghiêm trọng hoặc không kéo dài quá lâu, các triệu chứng mô tả trên đây là những phản ứng bình thường đối với sang chấn. Mặt dù các triệu chứng này có thể gây lo lắng, đau khổ, nhưng chúng sẽ lắng dịu dần với phần lớn mọi người. Chúng là một phần của quá trình bình phục tự nhiên, điều chỉnh để thích nghi với một sự kiện quá mạnh, suy ngẫm để rút ra ý nghĩa, bài học về những gì đã diễn ra…Cùng với sự hiểu biết và hỗ trợ từ gia đình, bè bạn hay đồng nghiệp, các dấu hiệu căng thẳng thường dịu đi nhanh chóng. Nhưng ở một số ít người, các triệu chứng đó sẽ phát triển thành trầm cảm, PTSD (rối loạn căng thẳng hậu sang chấn), các vấn đề về rượu, ma túy…

Các gợi ý để chế ngự sang chấn tâm lý ra sao?
Có nhiều cách bạn có thể làm để chăm sóc bản thân và giúp mình phục hồi từ sự kiện hay tình huống gây sang chấn.
• Hãy thừa nhận rằng bạn đã trải qua một sự kiện, tình huống gây sang chấn và cho phép mình trải nghiệm một số phản ứng đối với sự kiện/tình huống đó.
• Đừng tức giận bản thân vì mình đã lo lắng hay đau đớn.
• Tự nhắc mình rằng bạn không phải là người không bình thường, bạn có thể và đang ứng phó.
• Tránh lạm dụng rượu hay các loại ma túy để ứng phó.
• Tránh đưa ra các quyết định quan trọng hay các thay đổi lớn trong cuộc đời vào thời điểm này.
• Đừng cố phong tỏa các suy nghĩ về những gì đã xảy ra. Đối mặt dần dần với sự kiện hay tình huống sẽ giúp chấp nhận trải nghiệm sang chấn tốt hơn.
• Hãy chia sẻ trải nghiệm của mình với người thân, bạn thân khi nào có thể. Đôi khi điều này làm ta cảm thấy khó chịu, nhưng trò chuyện với người bạn tin cậy và biết lắng nghe sẽ rất có ích trong việc xử lý sang chấn.
• Cố gắng duy trì nề nếp bình thường hàng ngày. Giữ cho mình bận và làm cho các hoạt động trong ngày của mình có cấu trúc, có kế hoạch.
• Cố gắng không né tránh các địa điểm hay hoạt động nếu không cần thiết
• Nghỉ ngơi nếu cảm thấy mệt mỏi và nhớ rằng vận động thường xuyên rất quan trọng.
• Cho bạn bè và gia đình biết nhu cầu của bạn. Giúp họ để họ giúp bạn bằng cách cho họ biết khi nào bạn mệt mỏi, cần tạm lắng, cần cơ hội để nói chuyện hoặc cần thời gian với một ai đó.
• Dành thời gian thực hành thư giãn. Sử dụng các kỹ thuật như thư giãn cơ tăng dần hoặc tham gia các hoạt động thư giãn như làm vườn, nghe nhạc. Điều này sẽ giúp cơ thể và hệ thần lắng dịu và điều chỉnh.
• Nếu sang chấn mà bạn vừa trải qua kích động các hồi ức hay cảm xúc gây căng thẳng khác, chẳng có liên quan gì trong quá khứ hoặc trải nghiệm thời thơ ấu, cố gắng đừng để tất cả các ký ức đó lẫn lộn với nhau. Hãy tách bạch các ký ức đó và xử lý riêng biệt.
• Thể hiện cảm xúc khi chúng xuất hiện. Dù là bạn thảo các cảm xúc với ai đó hoặc viết ra trong cuốn nhật ký, thể hiện cảm xúc thường là một cách rất có ích cho quá trình hồi phục.

Sang chấn tâm lý được trị liệu như thế nào?
Đa số những người trải qua sự kiện sang chấn không cần điều trị. Họ sẽ tự xử lý được sự lo âu của mình với sự hỗ trợ của bạn bà hay gia đình. Tuy nhiên, ở một số người, phản ứng đối với sang chấn có thể làm họ suy nhược và họ cần được điều trị từ các bác sĩ y khoa, bác sĩ tâm lý.
Trong trường hợp này, trị liệu bao gồm các can thiệp tâm lý tập trung sang chấn. Các can thiệp này tập trung vào việc cung cấp kiến thức về sang chấn, kỹ thuật chế ngự căng thẳng, giúp người đó đối mặt với các tình huống gây sợ hãi hay các hồi ức gây đau khổ. Một số loại thuốc, đặc biệt là một số thuốc chống trầm cảm loại mới thường có ích nên thường được sử dụng cùng với các cách trị liệu tâm lý tập trung vào sang chấn.

Khi nào cần tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp?

Bạn cần sự hỗ trợ chuyên nghiệp nếu các dấu hiệu cho sang chấn gây ra kéo dài hơn một vài tuần và làm cho bạn quá đau khổ. Các dấu hiệu cảnh báo điều này bao gồm:
• Bạn không thể xử lý được cảm xúc căng thẳng hoặc cảm giác của cơ thể.
• Cảm thấy tê liệt và trống rỗng
• Tiếp tục trải nghiệm các cảm xúc gây căng thẳng, đau khổ ở mức cao
• Tiếp tục có các triệu chứng bị căng thẳng, kích động hoặc cáu gắt
• Tiếp tục có các giấc ngủ không yên hoặc gặp các cơn ác mộng
• Không có ai hỗ trợ và không có ai mà bạn có thể chia sẻ cảm xúc, tình cảm của mình.
• Có các vấn đề về quan hệ với bạn, gia đình và đồng nghiệp.
• Sử dụng rượu và ma túy ngày càng nhiều.

LVH lược dịch từ http://www.psychology.org.au/publications/tip_sheets/trauma/

Nguồn: tamly.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *