Hội chứng vịt con (Baby duck syndrome)
Bạn có bao giờ cảm thấy phim hoạt hình bây giờ không hay bằng hoạt hình ngày xưa bạn xem lúc nhỏ? ca sĩ bây giờ hát không hay bằng ca sĩ ngày xưa?… Có thể là một phần đúng, có thể là một phần thật sự như vậy… Nhưng có một điều chắc chắn là phần lớn sự sụt giảm chất lượng ấy chủ yếu xuất phát từ tâm lý của chúng ta, được gọi là HỘI CHỨNG VỊT CON (Baby duck syndrome)
(Ảnh minh họa)
Khi vịt con mới nở, nó coi vật thể chuyển động đầu tiên nó nhìn thấy là mẹ. Tất nhiên, thông thường mẹ vịt sẽ ấp trứng và đón các con mình thoát khỏi vỏ trứng đầu tiên, nhưng lỡ chẳng may khi trứng nở vịt mẹ lại kiếm mồi hay tắm rửa, và tình cờ một chú gà đi ngang qua những quả trứng thì bầy vịt con sẽ coi chú gà đó là… mẹ.
Ở con người, hội chứng vịt con dùng để chỉ việc con người có xu hướng coi những trải nghiệm đầu tiên, những cảm xúc đầu tiên, những sự vật tiếp xúc đầu tiên là “tốt nhất”, “chuẩn nhất”.
Chúng ta có thể lấy một ví dụ trong giới thể thao, cụ thể là môn thể thao vua:
Những người thời trước từng say mê xem bóng đá tấn công sẽ nhận xét về bóng đá thị trường bây giờ là “thiếu lửa, toan tính, nặng về cơ bắp, thiếu sáng tạo v.v…”; ngược lại, những người “sinh sau đẻ muộn” và mới xem những trận bóng đầu tiên, nếu có tìm hiểu về lối bóng đá tấn công ngày trước có thể nói là “thiếu kỉ luật, thiếu chiến thuật, không hiệu quả, rườm rà”.
Nếu bạn đang xem một bộ phim truyền hình nhiều tập, được một nửa phim mà có một diễn viên trong ekip phải tạm biệt khán giả vì công việc riêng, một diễn viên mới vào đóng thay thì có thể nói hầu như không bao giờ diễn viên mới có thể chiếm được cảm tình với khán giả như diễn viên cũ. Hoặc giả sử bạn nghe thấy tên một bài hát mới nổi, tra bài hát ấy trên mạng và tình cờ nghe thử “bản cover” của một người khác hát và thấy hay, thậm chí sau này có nghe bản của ca sĩ chính bạn cũng thấy không hay bằng bản cover. Ngược lại, phần đông những người khác khi nghe ca sĩ chính hát rồi sẽ thấy các bản cover không hay bằng. Phim thời nay thì nhiều kĩ xảo, hình ảnh đẹp hơn hẳn ngày trước nhưng không ý nghĩa, tình cảm và mang lại cho người xem nhiều cảm xúc bằng phim ngày xưa v.v…
Nhìn chung, “hội chứng vịt con” không có gì quá nghiêm trọng nhưng thường làm chúng ta nhìn mọi thứ với con mắt thận trọng, khắt khe và không đón nhận cái mới. Về cơ bản, hiệu ứng này hạn chế sự phát triển, sự đổi mới và sức sáng tạo của mỗi người nói riêng và xã hội nói chung. Tuy nhiên, một mặt nó cũng giúp con người không dễ dàng lãng quên những giá trị xưa cũ, từ đó đặt ra thử thách cho những giá trị mới đó là phải không ngừng phát triển để tốt hơn, hiệu quả và độc đáo hơn.
LỜI KẾT
Đây là một hội chứng tâm lý mà gần như ai cũng mắc một cách tự nhiên, nên không có cách nào phòng tránh. Quan trọng là chúng ta biết đến nó, để nếu bắt gặp mình đang giống như “những chú vịt con” thì hãy tự nhắc nhở bản thân có cái nhìn thật khách quan hơn để đón nhận và cho cái mới cơ hội, đồng thời bản thân cũng có thêm nhiều sự trải nghiệm hấp dẫn và lí thú.
Không có gì là vĩnh cửu, mọi thứ đều phải thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu cuộc sống, và chúng ta cũng cần tập thay đổi định kiến thì mới hòa nhập được với thế giới đổi thay từng ngày.
>> Theo tamlyhoctoipham <<