IQ và EQ cái nào quan trọng hơn?

IQ và EQ cái nào quan trọng hơn?

Cái nào quan trọng hơn giúp tạo nên thành công trong cuộc sống – thông minh theo sách vở hay thông minh kiểu “đường phố”? Câu hỏi này là trọng tâm tranh luận quan trọng nhằm làm nổi bật tầm quan trọng của thông minh nhận thức (IQ) và thông minh cảm xúc (EQ). Cái gọi là “thông minh sách vở” cho rằng chính IQ là yếu tố thiết yếu giúp xác định mức độ thành công của một người trong cuộc sống. Những người ủng hộ cái gọi là “thông minh đường phố” lại cho rằng chính EQ mới là cái quan trọng hơn. Vậy, ai đúng?

Tìm hiểu cuộc tranh luận giữa IQ và EQ? 

Trong cuốn “Emotional Intelligence” xuất bản năm 1996, nhà văn – nhà tâm lý học Daniel Goleman cho rằng trong thực tế, EQ (hay gọi đầy đủ là chỉ số thông minh cảm xúc) quan trọng hơn IQ. Tại sao? Một số nhà tâm lý học tin rằng chỉ số đo lường trí thông minh chuẩn (tức điểm IQ) quá hẹp và không bao gồm hết sự rộng lớn của trí thông minh con người.

Ví dụ, nhà tâm lý học Howard Gardner cho rằng trí thông minh không chỉ đơn giản là một năng lực chung chung đơn lẻ. Thay vào đó, ông cho rằng có nhiều loại trí thông minh khác nhau và mỗi người có thể có thế mạnh trong một số các lĩnh vực này.

Thay vì tập trung vào một dạng trí thông minh chung chung, đơn lẻ, thường được gọi là yếu tố g thì một vài chuyên gia tin rằng khả năng hiểu và thể hiện được cảm xúc có thể đóng một vai trò tương đương, nếu không muốn nói là quan trọng hơn trong cuộc sống mỗi người.

Điểm khác biệt giữa IQ và EQ? 

IQ và EQ được đo lường và kiểm tra như thế nào? Hãy bắt đầu đi vào định nghĩa của hai khái niệm này để hiểu được ý nghĩa và sự khác biệt giữa chúng. IQ, hay chỉ số thông minh, là một chỉ số rút ra từ một bài kiểm tra trí thông minh tiêu chuẩn. Trong bài kiểm tra IQ nguyên bản, điểm được tính bằng cách chia số tuổi trí lực của người được kiểm tra cho số tuổi thời gian và rồi nhân số đó với 100. Vậy một đứa trẻ có tuổi trí lực là 15 và tuổi thời gian là 10 sẽ có điểm số IQ là 150. Ngày nay, điểm từ hầu hết các bài kiểm tra IQ đều được tính bằng cách so sánh điểm của người kiểm tra với những người khác trong cùng nhóm tuổi.

IQ thể hiện các khả năng bao gồm:

  •  Xử lý thị giác và không gian.
  •  Kiến thức về thế giới.
  •  Dòng tư duy.
  •  Trí nhớ làm việc và trí nhớ ngắn hạn.
  •  Tư duy định lượng.

EQ, mặt khác, lại là một chỉ số đo lường mức độ thông minh về cảm xúc của một người. Chỉ số này thể hiện khả năng nhận thức, kiểm soát, đánh giá và thể hiện cảm xúc. Hai nhà nghiên cứu John Mayer và Peter Salovey cũng như nhà văn Daniel Goleman đã đổ dồn sự tập trung của mình vào trí thông minh cảm xúc, biến nó trở thành một chủ đề “hot” cả trong kinh doanh quản lý và giáo dục.

EQ tập trung các khả năng như:

  •  Xác định cảm xúc.
  •  Đánh giá cảm xúc của người khác.
  •  Kiểm soát cảm xúc của chính bản thân.
  •  Nhận ra được cảm xúc của người khác.
  •  Sử dụng cảm xúc để hỗ trợ cho quá trình giao tiếp xã hội.
  •  Kết nối với người khác.

Kể từ những năm 1990, trí thông minh cảm xúc đã bắt đầu chuyến hành trình của mình từ một khái niệm có phần tối nghĩa đến một thuật ngữ được đông đảo mọi người công nhận. Ngày nay, bạn có thể tìm mua đồ chơi có ghi giúp tăng cường trí thông minh cảm xúc của trẻ hoặc cho trẻ tham gia các chương trình huấn luyện tập trung vào cảm xúc và tương tác xã hội, được thiết kế riêng để dạy cho trẻ các kỹ năng liên quan đến trí thông minh cảm xúc. Ở một số trường tại Hoa Kỳ, học tập về cảm xúc và tương tác xã hội thậm chí còn là cấu phần bắt buộc trong chương trình học.

Cái nào quan trọng hơn?

Đã từng có lúc, IQ được coi là chỉ số chính quyết định sự thành công. Người có điểm IQ cao được cho là kiểu gì cũng đạt được thành tựu và thành công lớn lao trong đời. Và các nhà nghiên cứu cũng tranh luận rằng liệu trí thông minh là sản phẩm của gen di truyền hay môi trường (cuộc tranh luận kinh điển về Bẩm sinh và Nuôi dưỡng.) Tuy nhiên, một số nhà phê bình bắt đầu nhận ra rằng có chỉ số thông minh cao chưa phải là nhân tố bảo đảm cho thành công, có lẽ phạm trù này là quá hẹp để bao hàm một phạm vi rộng lớn nhiều năng lực và tri thức của con người.

(Ảnh binh họa _  Astra Enterprisesllc)

IQ vẫn được xem là một nhân tố quan trọng quyết định thành công, đặc biệt là khi nói đến những thành tựu học vấn. Những người có IQ cao nói chung là thường học hành giỏi giang, thường kiếm được nhiều tiền hơn và có xu hướng mạnh khỏe hơn. Nhưng ngày nay, đông đảo chuyên gia đều nhận ra rằng nó không phải là kim chỉ nam quyết định thành công trong cuộc sống. Thay vào đó, nó mà một phần trong một chuỗi tác động phức tạp bao gồm trí thông minh cảm xúc và vô vàn các thứ khác.

Khái niệm về trí thông minh cảm xúc đã có tác động mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả trong kinh doanh. Nhiều công ty giờ đây đã bắt buộc nhân viên phải tham gia các khóa đào tạo về thông minh cảm xúc và sử dụng bài kiểm tra EQ làm một phần trong quá trình tuyển dụng. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người có tiềm năng lãnh đạo mạnh mẽ thường thông minh hơn về cảm xúc, và rằng EQ cao là một phẩm chất quan trọng mà những nhà lãnh đạo kinh doanh và quản lý phải có.

Ví dụ, một công ty bảo hiểm phát hiện ra rằng EQ có thể đóng một vai trò sống còn trong thành công bán hàng. Những nhân viên bán hàng có thứ hạng thông minh cảm xúc thấp, trong các khía cạnh như sự thấu cảm, sáng kiến, và sự tự tin, bán được những hợp đồng có trị giá bảo hiểm ở mức $54,000. So với nhóm đó thì những người có thứ hạng chỉ số EQ cao bán được các hợp đồng có trị giá trung bình khoảng $114,000.

Năng lực cảm xúc cũng có thể ảnh hưởng lên những lựa chọn mua sắm của khách hàng. Nhà tâm lý học đã từng đoạt giải Nobel Daniel Kahnman đã phát hiện ra rằng con người ta thà giao dịch với người họ tin tưởng và yêu thích hơn là người họ không tin và thích, thậm chí ngay cả khi phải trả một cái giá cao hơn cho một sản phẩm cấp thấp hơn.

Thông minh cảm xúc có thể học tập được?

Có lẽ bạn đang tự hỏi nếu trí thông minh cảm xúc quan trọng như vậy thì liệu ta có thể học để củng cố nó được không? Theo một nghiên cứu phân tích gộp tập trung vào kết quả của các chương trình học tập về cảm xúc và tương tác xã hội, câu trả lời chắc chắn là “có”. Nghiên cứu phát hiện ra xấp xỉ 50% trẻ tham gia vào các chương trình đào tạo cảm xúc và tương tác xã hội có điểm thành tích tốt hơn và gần 40% cho thấy điểm trung bình được cải thiện. Những chương trình này có có liên quan đến tỷ lệ bị đuổi học thấp, tỷ lệ có mặt gia tăng và giảm thiểu các vấn đề về vi phạm kỷ luật.

Một số chiến lược dạy trí thông minh cảm xúc bao gồm giáo dục tính cách, các hành vi mẫu tích cực, khuyến khích con người ta nghĩ về cảm xúc của người khác và tìm cách để thấu cảm hơn với mọi người.

Kết luận.

Thành công trong cuộc sống là kết quả của rất nhiều yếu tố. Cả IQ và EQ chắc chắn đều gây ảnh hưởng lên thành công chung, cũng như từng khía cạnh của cuộc sống như sức khỏe, hạnh phúc và tình trạng khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Thay vì tập trung quá nhiều vào yếu tố nào có ảnh hưởng lớn hơn thì ta nên học cách trau dồi kỹ năng của mình trong nhiều lĩnh vực, chính điều đó sẽ mang lại lợi ích lớn lao nhất.

Ngoài việc tăng cường một số năng lực nhận thức nhất định như trí nhớ và sự tập trung tinh thần, bạn cũng có thể học những kỹ năng quản lý cảm xúc và tương tác xã hội mới, những kỹ năng này sẽ cực kỳ hữu ích cho bạn trong nhiều lĩnh vực của đời sống.

———————-

>> Nguồn: https://www.verywellmind.com

>> Tham khảo.

Goleman, D. Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ. New York: Random House; 2012.

Goleman, D. Working With Emotional Intelligence. New York: Random House; 2011.

Dịch bởi: Hana Nguyễn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *