Khi chúng ta đơn giản hóa tuổi thơ
Khi cha tôi còn nhỏ ông ấy chỉ có một chiếc áo khoác vào mùa đông. Một và chỉ một
Ông vẫn còn nhớ là ông xem trọng chiếc áo ấy như thê nào. Nếu khuỷu tay áo bị rách thì bà tôi sẽ khâu nó lại. Nếu ông để quên chiếc áo ở đâu đó, ông sẽ cố nhớ lại những chỗ đã qua để đi tìm nó. Ông bảo vệ nó như một món quà vô giá vậy.
Ông đã có tất cả những gì ông cần mà không chút dư thừa. Luật lệ duy nhất đó là về nhà trước bữa tối. Bà tôi hiếm khi nào biết được những đứa trẻ của bà đã đi chơi ở đâu.
“…Họ ra ngoài và xây những thành lũy, chế tạo cung và tên, mình mẩy trầy trụa còn đầu gối thì luôn rớm máu, họ luôn tận hưởng cuộc sống…” Họ đã có một tuổi thơ đúng nghĩa.
(Tuổi thơ chơi đánh khăng_ Ảnh sưu tầm)
Nhưng thế giới luôn thay đổi. Chúng ta được dạy dỗ với những triết lý. Và bước vào một thời kì đặc biệt mà ở đó, thay vì chỉ cung cấp đầy đủ, những bậc cha mẹ không thể cưỡng lại việc chu cấp cho con cái quá mức. Khi làm điều này, chúng ta vô tình tạo ra một môi trường để cho những vấn đề về tâm lý có cơ hội phát triển.
Khi tôi đọc một cuốn sách của Kim John Payne, Nuôi con đơn giản (Simplicity Parenting) một thông điệp nhảy ra từ cuốn sách. Những lời nói giễu cợt vô hại cộng với gánh nặng của sự dư thừa có thể đẩy con trẻ vào lãnh địa của những sự rối loạn. Một đứa trẻ thiên về não trái sẽ phát sinh những hành vi ám ảnh cưỡng chế. Một đứa trẻ thiên về não phải sẽ mất khả năng để tập trung.
Payne đã thực hiện một cuộc nghiên cứu trong đó ông đã đơn giản hóa cuộc sống của những đứa trẻ với chứng mất khả năng tập trung. Trong vòng bốn tháng ngắn ngủi 68% trẻ đã chuyển từ rối loạn chức năng lâm sàng sang chẩn đoán bình thường về tâm lý. Những đứa trẻ cũng thể hiện phát triển ở mức 37% trong học tập và năng khiếu, một kết quả không thể có đối với việc dùng những loại thuốc như Ritalin.
Là một người mẹ trẻ tôi nhận thấy điều này rất truyền cảm hứng nhưng cũng rất đáng lo ngại, chúng ta có một cơ hội và trách nhiệm to lớn trong việc xây dựng cho trẻ một môi trường mà ở đó trẻ có thể phát triển hoàn thiện về thể chất, cảm xúc cũng như tâm lý.
Vậy thì, chúng ta đã đang làm gì sai và làm thế nào để khắc phục?
Gánh nặng của sự dư thừa.
Trước khi bắt đầu sự nghiệp, Payne đã từng là tình nguyện viên của trại tị nạn Jakarta, nơi những đứa trẻ phải đương đầu với rối loạn stress sau sang chấn. Ông đã mô tả những đứa trẻ như, “hay giật mình, lo lắng, luôn đề phòng quá mức, lo sợ trước những thứ mới mẻ”.
Nhiều năm sau Payne đã làm thử một thí nghiệm ở Anh, nơi mà ông nhận thấy những đứa trẻ giàu có có những hành vi tương tự như những đứa trẻ đang sống trong vòng chiến tranh cách chúng nửa vòng trái đất. Tại sao những đứa trẻ sống trong khung cảnh an toàn tuyệt đối như vậy lại phát sinh những triệu chứng tương tự?
Payne đã giải thích rằng mặc dù chúng an toàn về mặt vật lý, nhưng trong tâm lý chúng cũng đang sống trong một vùng chiến sự, “Che giấu với cha mẹ chúng những nỗi sợ, ước mơ, khát vọng, và nhịp sống hối hả của chúng, những đứa trẻ luôn bận tâm với việc tạo ra những giới hạn cho riêng chúng, những cấp độ an toàn trong những hành vi cuối cùng cũng trở nên vô ích.”
Bị chèn ép bởi “phản ứng stress tích lũy” là kết quả của hiệu ứng bóng tuyết quá mức, những đứa trẻ tự phát triển cho mình những chiến thuật đối phó để có thể được an toàn. Nhưng cha mẹ và xã hội chỉ quan tâm đến nhu cầu bảo vệ an toàn vật lý cho trẻ.
Chúng ta trang bị những ghế riêng trên xe, mũ bảo hiểm xe đạp và luôn đứng cạnh trẻ ở sân chơi. Nhưng nói về bảo vệ an toàn tâm lý thì mù tịt.
Nhưng buồn thay, chúng ta đang đang làm mọi thứ rối tung lên. Những đứa trẻ ngày nay đang bị cuốn đi bởi cơn sóng dồn dập của thông tin, những thứ mà chúng không thể xử lí cũng như hiểu được. Chúng đang trưởng thành nhanh hơn khi chúng ta đặt chúng vào vị trí của những người lớn và càng kì vọng nhiều vào chúng. Vì vậy, chúng tìm đến những mặt khác trong cuộc sống mà chúng có thể tự kiểm soát.
Bốn loại dư thừa
Theo tự nhiên, những bậc cha mẹ luôn muốn đứa trẻ có một khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống. Một ít là đủ tốt, nhưng chúng ta nghĩ càng nhiều thì càng tốt, có đúng không?
Chúng ta lên danh sách cho chúng với những hoạt động không có hồi kết. Bóng đá, âm nhạc, võ thuật, thể hình, múa ballet. Chúng ta lên thời khóa từng ngày với sự chính xác từng phút. Và chúng ta lấp đầy không gian của trẻ với những quyển sách giáo dục, thiết bị và đồ chơi. Một đứa trẻ trung bình ở Mĩ có đến 150 món đồ chơi và có thêm 70 món mỗi năm. Với quá nhiều thứ như vậy, con trẻ trở nên hoa mắt và quá tải với những sự lựa chọn.
(Sự thờ ơ của trẻ khi có quá nhiều đồ chơi… Anh minh họa)
Chúng chơi một cách hời hợt thay vì trở nên chú tâm và lạc vào trí tưởng tượng phong phú của chúng.
Dạy con đơn giản kêu gọi các bậc cha mẹ hãy mua thật ít đồ chơi để con trẻ có thể tiếp cận sâu sắc hơn với những món ít ỏi mà chúng có. Payne đã nói về bốn thứ dư thừa: sở hữu quá nhiều, quá nhiều lựa chọn, quá nhiều thông tin và tốc độ quá nhanh.
Khi những đứa trẻ bị quá tải, chúng mất đi những khoảng thời gian quý báu để khám phá, chơi đùa và giải tỏa căng thẳng. Quá nhiều lựa chọn có thể bào mòn đi niềm vui, lấy đi của trẻ món quà của sự nhàm chán thứ thúc đẩy trẻ sáng tạo và tự tìm tòi. Và quan trọng nhất sự quá tải cướp đi thời gian.
Bảo vệ thời thơ ấu.
Giống như câu chuyện con ếch chết trong cái nồi được đun sôi từ từ, xã hội cũng đang dần giết chết sự mầu nhiệm độc đáo của tuổi thơ, lập trình lại nó và để lại đứa trẻ với bộ óc chưa trưởng thành ngụp lặn để cố gắng theo kịp. Nhiều người ví điều này như “cuộc chiến thời thơ ấu”.
Theo nhà tâm lý học phát triển Dvid Elkind, những đứa trẻ đã bị đánh cắp hơn 12 giờ đồng hồ thời gian rảnh mỗi tuần trong 2 thập kỉ qua nghĩa là cơ hội để chơi đùa tự do là rất ít. Thậm chí cả những trường mẫu giáo cũng đã trở nên chú trọng về kiến thức. Và nhiều trường thậm chí còn bỏ luôn giờ ra chơi để có thêm giờ học.
Thời gian trẻ tham gia vào những môn thể thao được sắp xếp trước đã được chứng minh là sẽ làm giảm khả năng sáng tạo của trẻ khi chúng lớn hơn, trong khi đó nếu thời gian dành ra là để chơi những trò chơi tự do sẽ làm tăng đáng kể khả năng sáng tạo. Không phải bản thân những môn thể thao được sắp xếp sẽ hủy hoại sự sáng tạo mà chính là sự thiếu hụt thời gian tự do. Chỉ cần 2 giờ mỗi tuần cho những trò chơi tự do sẽ tăng cường đáng kể khả năng sáng tạo của trẻ lên cao hơn mức trung bình.
Phụ Huynh hãy hành động.
Vậy thì, làm sao chúng ta- những bậc cha mẹ có thể bảo vệ trẻ trong cái xã hội mới đầy “bình thường” này?
Đơn giản hãy nói KHÔNG. Chúng ta bảo vệ con em ta và nói không, qua đó ta có thể cho trẻ những không gian để trẻ sống như những đứa trẻ. KHÔNG, Sam không thể tổ chức sinh nhật vào thứ Bảy được, KHÔNG, Sophie không thể đến buổi tập bóng đá vào tuần này.
Và chúng ta tạo dựng lại những khoảng thời gian trống với sự yên bình và thoải mái cho trẻ trong thế giới hỗn loạn này. Điều này cho trẻ một sự giải phóng khỏi áp lực và chúng biết chúng có thể đặt niềm tin, cho phép chúng hồi phục và trưởng thành, phục vụ cho những mục tiêu cực kì quan trọng trong quá trình phát triển ở trẻ.
Chúng ta loại ra những sự bận rộn không cần thiết và đơn giản hóa cuộc sống của chúng. Chúng ta không nói về sự ấm lên toàn cầu trên bàn ăn với một đứa trẻ bảy tuổi. Chúng ta xem tin tức sau khi những đứa con ta đã say giấc ngủ. Chúng ta hãy cất đống đồ chơi và video games quá dư thừa đó khi chúng đang ngủ. Chúng ta gầy dựng lại và tôn vinh tuổi thơ. Con trẻ của chúng ta còn một quãng đường dài để làm người lớn và đối mặt với sự rối rắm của cuộc sống, nhưng chỉ có chút ít thời gian để làm những đứa trẻ ngây thơ hồn nhiên. Những đứa trẻ ngốc nghếch, vui vẻ và đáng yêu.
(Tuổi thơ chơi Ô ăn quan_ Ảnh sưu tầm)
Tuổi thơ đóng một vai trò cực kì quan trọng. Nó không phải là thứ gì đó để “vượt qua”. Nó ở đó để bảo vệ và phát triển những tâm hồn non nớt để chúng có thể lớn lên thành một người lớn hạnh phúc và khỏe mạnh. Khi xã hội làm rối tung những tuổi thơ đó lên, những tâm hồn đó sẽ phản ứng mạnh mẽ. Bằng cách tặng cho chúng món quà của sự cân bằng và sự bảo vệ một cách chủ động tuổi thơ của chúng, chúng ta đang ban tặng cho trẻ món quà tuyệt vời nhất mà chúng đã từng và sẽ được nhận.
Dịch: Yin Yang
Theo raisedgood.com