Khi teen học tập đối phó

Khi teen học tập đối phó

Chương trình học giống nhau, giáo viên giảng dạy giống nhau là lợi thế được teen khai thác triệt để.

Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, đó là câu nói mà người xưa nhận xét về các cô cậu học trò nghịch ngợm. Ngày nay người lớn, đặc biệt là các thầy cô giáo hiểu câu nói này theo nghĩa “vô vàn cách học đối phó của teen”.Từ việc hỏi kinh nghiệm của lớp đã học trước…

Chương trình học giống nhau, giáo viên giảng dạy giống nhau là lợi thế được teen khai thác triệt để. Rất nhiều teen chủ động xin thời khoá biểu của lớp hàng xóm và… học thuộc để tiện theo dõi và nắm bắt tình hình. Tiết học nào, môn nào lớp đó học trước là teen nhanh nhảu sang “học hỏi”, có hôm tiết học cách nhau có 5 phút, teen vấn gắng đứng “phỏng vấn” bạn học cho bằng được. “Hôm nay thầy giảng những gì? Hỏi những câu nào? Phải trả lời làm sao?…”

Đến lượt lớp mình học, teen tự tin xung phong phát biểu, trả lời đúng và được thầy khen ngợi, còn được tặng thêm điểm thưởng. Vài lần như thế, tưởng là đã “ngon ăn”, nhưng “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” khi thầy giáo hỏi đột xuất một câu ngoài chương trình. Lúc này, teen chỉ biết ngơ ngác, không dám nhìn thẳng vào mắt thầy, chỉ biết ấp úng với hai từ “dạ thưa”. Cũng từ lần đó, teen chơi trội khiến thầy để ý hơn các học sinh khác.

… Đến việc mượn tập của bạn khác

Không đủ thời gian hỏi – trả lời, teen nài nỉ để mượn luôn tập của bạn bè lớp khác hòng mang về “xào nấu”, chắp vá thành bài làm, kiến thức của mình. Có teen còn ỷ lại, không thèm chép và hờ hững khi nghe thầy cô giáo giảng bài. Đến kì thi cuối, teen vẫn đắm chìm trong mớ hỗn lộn, chẳng biết bài nào học trước, bài nào học sau, bài này đã học hay chưa. Đôi lúc vì quá tin tưởng vào tập của bạn bè mà teen phải ăn “ngỗng” oan, không thì cũng bị điểm kém và dễ dàng “đánh động” thầy cô vì lối học vẹt, “lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia”. Chưa kể trong lớp cũng có nhiều bạn khác sử dụng chung “phương pháp” học, vậy là nguyên một “dây” bị lôi ra kiểm điểm trước lớp.

Không mượn được, ta sẽ mua

Teen thường truyền tai nhau những “đại lí” vở sách chữ đẹp lại siêng năng, học giỏi ở các khoá trước. Các anh chị này sẽ nhận được lời mời gọi tha thiết, nài nỉ đến mức không thể từ chối việc teen xin nhượng lại quyền quản lí tập vở ghi chép của năm học trước. Teen sẵn sàng trả giá đắt gấp ba, bốn lần giá bán vé chai, đồng nát để được làm chủ những cuốn tập có phần cũ kĩ này.

May mắn thì teen gặp trúng thầy cô giảng dạy các anh chị khoá trước, bài giảng cũng chẳng khác biệt là bao nhưng ngại một nỗi, thầy cô đã nắm được “thóp” học trò nên thay đổi hoàn toàn phương thức kiểm tra và đánh giá kiến thức cho khoá sau. Teen tiu ngỉu khi biết được sự thật “trần trùi trụi” đó.

Từ bỏ cách học đối phó

Vẫn còn rất, rất nhiều hình thức học đối phó khác đang được teen sử dụng và phát tán rộng rãi trong trường lớp.

Trước tiên, teen nên chín chắn nhìn nhận mặt tiêu cực của thói quen học đối phó. Kiến thức nhất thời và “vầng hào quang” ảo dễ khiến teen mờ mắt và tiếp tục sa ngã.

Đến lúc nào đó, teen sẽ hoảng hốt nhận ra rằng, kiến thức bấy lâu thầy cô truyền đạt hoàn toàn không có tí ti nào thuộc về mình. Và một khi không thể làm chủ được kiến thức, teen sẽ hoang mang cực độ khi đối mặt với các bài thi.

Teen nên ý thức và thay đổi dần thói quen học đối phó bằng việc tiếp cận bài học một cách chủ động nhất.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *