Khoa học lý giải hiện tượng bí ẩn ảo giác “người thứ 3”

Khoa học lý giải hiện tượng bí ẩn ảo giác “người thứ 3”

Các nhà khoa học đưa ra lời giải cho hiện tượng ảo giác một người luôn cảm thấy có sự xuất hiện của “người thứ ba” đi theo và nói chuyện với mình.

Không ít người trong chúng ta từng nghe kể về những trường hợp có người nghe thấy một giọng nói của ai đó trong đầu, hay luôn cảm thấy có một người bí ẩn đi và dõi theo mình…

Nhưng hầu hết mọi người tin, chủ nhân của câu chuyện đã suy nghĩ quá nhiều, bị ảo giác hay quá ám ảnh bởi một bộ phim nào đó.

Tuy nhiên, bắt đầu từ câu chuyện về chuyến thám hiểm của Ernest Shackleton cho tới hiện tượng bóng đè và những giọng nói bí ẩn – các nhà khoa học dường như đã có lời lý giải cho những câu chuyện về “người bí ẩn” này.

Cuộc gặp gỡ với “Người thứ ba” bí ẩn

Ba nhà thám hiểm Ernest Shackleton, Frank Worsley, Tom Crean trong chuyến thám hiểm tới Nam Cực của mình năm 1916 đã phải đối mặt cận kề với cái chết khi tàu của họ bị đóng băng và không thể di chuyển.

Họ đã đi bộ suốt 36 tiếng đồng hồ, vượt qua rất nhiều núi chỉ với một cây rìu và một cuộn dây thừng. Trải qua nhiều biến cố, may mắn là hành trình gian nan này đã kết thúc tốt đẹp và cả đoàn thủy thủ sống sót trở về.

Câu chuyện tưởng chừng như kết thúc ở đây, nhưng sau đó vài tuần, cả ba người đã cùng kể lại một sự việc kì lạ trên đường đi: họ cảm giác như luôn có một người thứ tư âm thầm, sát cánh cùng họ trong suốt cuộc hành trình.

Không những thế, người thứ tư này còn nói chuyện, tâm sự với họ trên đường đi.

Khi câu chuyện được công bố, không ít nhà leo núi, thám hiểm thủy thủ cũng đã chia sẻ kỷ niệm của mình về sự xuất hiện của một người giấu mặt, một thế lực bí ẩn, đôi khi có cả tiếng nói, cái bóng nhưng không có hình hài cụ thể giúp đỡ mình trong suốt chuỗi ngày dài.

Theo các nhà nghiên cứu, sự việc này dường như xảy ra phổ biến khi người trong cuộc lâm vào tình huống đặc biệt nguy hiểm liên quan đến sự sống còn: Những thiên thần hộ mệnh, hay người dẫn đường… Hiện tượng đó được gọi là ảo giác “người thứ ba”.

Tên gọi ảo giác “người thứ ba” xuất phát từ bài thơ “Đất hoang” của nhà thơ đoạt giải Nobel Văn học – TS Eliot vào năm 1948.

Nhận định ban đầu các nhà khoa học

Có thể hiểu ảo giác về “người thứ ba” trong câu chuyện của nhà thám hiểm Shackleton chính là “người thứ tư” mà họ luôn cảm thấy.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, cảm giác chắc chắn có sự xuất hiện của “người thứ ba” là một ảo giác con người tạo ra để tự vệ. Điều đó có nghĩa, hiện tượng này có thể xảy ra với bất cứ ai khi họ gặp những tình huống nguy cấp.

Tuy nhiên, lý giải này chưa hợp lý bởi vẫn có ảo giác xảy ra trong những tình huống ít khẩn cấp hơn.

Ví dụ những gia đình sau khi người thân qua đời, người trong nhà luôn có cảm giác rằng người mất chưa thực sự rời đi, họ vẫn ở trong nhà, ở trên phòng, hay ngồi lắc lư trên chiếc ghế ưa thích của họ.

ao giac nguoi thu ba 1

Việc cảm thấy có ai đó xung quanh cũng rất phổ biến trong các trường hợp bị bóng đè, khi người ta có cảm giác mình đã thức giấc nhưng lại không thể động đậy hay trở mình.

Người bị bóng đè còn có cảm giác về sự hiện hữu của ai đó trong phòng, cùng với các dấu hiệu khác như cảm thấy có sức ép ở lồng ngực và khó thở.

Không chỉ những bệnh nhân bóng đè, người bệnh Parkinson và các bệnh về não cũng có những trải nghiệm về ảo giác tương tự.

“Người thứ 3” chính là ảo ảnh của con người?

Sự xuất hiện của “người thứ ba” trong những hoàn cảnh khác nhau sẽ có những cách giải thích khác nhau. Trong trường hợp có người thân mới mất, yếu tố cảm xúc có thể là nguyên nhân chính.

Đó là nỗi đau đớn, buồn chán triền miên khi người thân ra đi, cộng với sự mong mỏi tuyệt vọng rằng, người thân của mình vẫn còn sống.

Còn với bệnh nhân Parkison, những người bị ảo giác thường đã được cho uống thuốc liều cao, do vậy, hormone truyền dẫn thần kinh dopamine có thể là nguyên nhân chính.

Với những người có bệnh về não, người gặp ảo giác thường bị tổn thương não bộ ở vùng tiếp giáp giữa thùy đỉnh và thùy thái dương (Temporo-parietal junction – viết tắt là TPJ), sự kích thích ở vùng não này đã gây ra ảo giác về “người thứ ba”.

ao giac nguoi thu 3_ theo tuvantamly.com.vn

 

 

TPJ là vùng não đóng vai trò quan trọng trong năng lực nhận thức, định hướng, xác định vị trí của chính mình trong không gian.

Vùng não này hoạt động tốt giúp con người cảm thấy phần hồn và phần xác được liên kết, nhờ đó ta có thể di chuyển và tương tác với các sự vật xung quanh mình.

Như vậy, có một khả năng là phần não này hoạt động không tốt, khiến hình ảnh của chính mình bị sao chép và chiếu ra bên ngoài, gây ra hiện tượng mà khoa học gọi là autoscopic phenomena hay “nhìn thấy chính mình”.

Giả thuyết về TPJ có vẻ khá thuyết phục, bởi nhân chứng trong các câu chuyện luôn cảm thấy thân thuộc, có gì đó kết nối giữa mình và “người thứ ba”.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, chính nỗi sợ hãi trước những đe dọa trong cuộc sống hàng ngày khiến cho sự xuất hiện của “người thứ ba” trở nên mạnh mẽ hơn. Hiểu được vì sao “người thứ ba” xuất hiện sẽ hé lộ rất nhiều điều về con người.

Theo đó, giới khoa học có thể biết được cơ thể phản ứng với áp lực tinh thần và áp lực bên ngoài ra sao, chúng ta đối mặt với những tình huống nguy hiểm như thế nào và làm sao để nhận ra được vị trí, hình dạng cơ thể mình trong những tình huống đó.

Cũng có lúc, ảo giác và ảo thanh (trường hợp nghe thấy tiếng nói trong đầu) xuất hiện cùng nhau và nhân chứng miêu tả rằng, đó không phải chỉ là âm thanh mà “thật” đến mức như có sự xuất hiện của một người đang nói.

Nếu ảo thanh và ảo giác là những hiện tượng tương tự nhau thì cách nghiên cứu và chữa trị chúng cũng sẽ liên quan đến nhau.

Các nhà nghiên cứu sẽ cần xem xét các yếu tố xã hội làm phát sinh giọng nói, hoặc nghiên cứu mạng lưới các tế bào thần kinh phụ trách nhận thức của não bộ.

Như vậy nhân vật “người thứ ba” sẽ không chỉ là người chỉ dẫn, bạn đồng hành trong những tình huống hiểm nguy nhất, mà quan trọng hơn là giúp con người tìm hiểu được những bí ẩn về chính cơ thể mình.

(Theo trithuctre)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *