Những liệu pháp nhẫn nại và thực tiễn đối diện với khủng hoảng trung niên
Phàm đã là người thì sẽ có lúc phải gặp khủng hoảng, lúc thiếu niên, lúc thanh niên, lúc trung niên và cả lúc rất già. Nhưng khủng hoảng tuổi trung niên được nhấn mạnh hơn, vì đó là cái tuổi “mọi thứ đã có hoặc chưa kịp có và đều chuẩn bị mất”, như ráng chiều rực rỡ lại sắp tan. Người ta buồn vì sự chuyển tiếp “nhãn tiền” ấy.
Và để thoát ra được khủng hoảng tuổi trung niên, có bao nhiêu là phương thức được sách vở mách bảo. Có thứ hiệu quả với người này lại không hiệu quả với người nọ, hay ngược lại. Chỉ có một điều chắc chắn: dù không hiệu quả thì cũng chẳng hại gì.
Người ta có câu “Bước đầu tiên để đến một nơi khác là quyết định không ở lại nơi này”. Quyết định “phải thay đổi” đồng nghĩa “không sống theo lối cũ” nữa. Trung niên là mới được nửa đời, còn kịp thay đổi. Những gì vẫn mơ ước thì giờ làm đi, những tính xấu gì chưa sửa thì sửa ngay đi, sống với ai chưa tốt thì sống tốt vào…
1. Quyết định dứt khoát
Đó là một lời hứa với bản thân – một lời hứa không được phản bội.
2. Ngưng tìm kiếm hạnh phúc
Con người thật hài hước: dành cả đời tìm kiếm hạnh phúc một cách tuyệt vọng mà không biết mặt mũi nó thế nào.
Chẳng ai mô tả hay định nghĩa được hạnh phúc. Ta cứ nói ra rả là muốn có hạnh phúc vì nó khiến cho mọi thứ thành “hồng hào” ngọt ngào. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, cuộc săn lùng không có điểm dừng ấy chính là thứ khiến ta khốn khổ. Cố tìm nó chỉ làm cho cơn khủng hoảng đang có càng trầm trọng. Tốt hơn là định ra một cách cụ thể “ta muốn một cuộc sống như thế nào”, rồi vạch kế hoạch thực thi và cứ thế mà theo, quên hai chữ hạnh phúc đi thì nó sẽ tự mò đến tìm ta.
(Ảnh minh họa)
Chẳng phải vô cớ mà thiền tồn tại lâu đến thế và ngày càng được nhiều người theo. Theo các nhà thần kinh học, não chúng ta có một “mạng lưới hoạt động ở chế độ mặc định” (DMN), hay còn gọi là “tâm khỉ”. DMN hoạt động hăng nhất khi bạn không tập trung, trí bạn như một con khỉ đánh đu từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác. Khi đang vui thì không sao, tưởng tượng hết cái này đến cái kia quả cũng… thú vị. Nhưng khi cá nhân gặp vấn đề, nghĩ lan man là một điều tai hại.
3. Thiền để thôi “tán loạn”
Thiền là hoạt động duy nhất có thể thuần hóa được cái “tâm khỉ” kia, làm mạng DMN bớt kích động, giúp não tập trung hơn, từ đó bớt lo âu và trầm cảm. Tâm trí bớt rối loạn thì thân thể cũng mạnh mẽ lên.
(Ảnh minh họa)
Ngay bây giờ, khi chưa đến trung niên bạn cũng nên tập thiền “sẵn”. Người đã quen với việc thiền sẽ dễ thuần hóa “tâm khỉ” của mình hơn.
4. Tập nghĩ rằng mình “giàu có”
Trong các cách thức để giảm sầu não, nghĩ rằng mình “giàu có” là khó nhất, nhưng cũng hiệu quả nhất. Khó vì buộc ta phải thay đổi một số niềm tin cốt lõi. Thí dụ trước kia ta hay giận dữ, thấy những gì tốt đẹp của đời toàn rơi vào tay kẻ khác; sao vợ ai cũng đẹp hơn, nhà ai cũng to hơn, ai cũng thăng tiến nhanh hơn, còn ta thì không, đời tước đi của ta mọi thứ. Trong khi thực tế ở đời còn đầy cơ hội cho tất cả mọi người chứ chẳng phải riêng ai. Và cứ so với nhiều người thì ta còn hơn đứt.
Triết gia Hi Lạp Epictetus nói: “Người khôn ngoan không buồn rầu vì những thứ không có, mà vui với những gì mình có”.
5. Tập biết ơn đời
Khi đã thấy mình “giàu có” rồi thì tập tiếp biết ơn đời. Không phải biết ơn một cái chung chung, trừu tượng, mà tốt nhất là lấy giấy bút ra, viết xuống năm điều, chỉ năm điều thôi mỗi ngày. Năm điều ấy có thể đơn giản, thậm chí ngớ ngẩn, thí dụ biết ơn mắt còn tinh để mà đọc báo (trong khi người khác đã lòa), tay còn khỏe để mà bấm điện thoại, còn có nhà để ở (trong khi người khác không có)…
Nhà văn Ralph H. Blum nói: “Đời sống của người biết ơn sẽ có một sự an bình – một niềm vui lặng lẽ”. Ở tuổi trung niên, còn gì thích hơn thế nào: lặng lẽ mà vẫn vui!
6. Theo đuổi đam mê
Nhiều người đến lúc trung niên mới thấy tiếc là suốt bao năm tháng đã không chịu theo đuổi đam mê của mình, thậm chí còn phải dẹp đi vì nhượng bộ ai đó, vợ/chồng mình chẳng hạn. Chắc chắn là trong lúc khủng hoảng, khó ai mà cảm thấy còn đam mê nổi điều gì. Nhưng đây chính là lúc cần lục lọi tâm trí, nhớ ra xem xưa kia mình đã từng thích làm gì, và hiện nay mỗi khi làm điều gì thì mình thấy vui nhất, thấy thời gian trôi nhanh nhất.
Nhà báo Hunter S. Thompson nói: “Bất kỳ cái gì làm máu chảy rần rật đều đáng làm” và làm hết sức hết lòng vào.
Nghiên cứu bảo chỉ cần thử những cái mới cũng làm tăng lượng dopamine trong não, góp phần duy trì mức độ hài lòng. Với người đang buồn, cứ ra khỏi nhà, thử một cái gì đó mới: đường mới, cửa hàng mới, món ăn mới… Xét cho cùng, còn bao nhiêu thứ trong đời ta đã xem đâu!
Cho đến nay, lời khuyên phổ biến nhất cho một người đang khủng hoảng giữa đời là “tập thể dục đi”.
7. Tập thể dục
Bạn có thể đến phòng tập hoặc tập tại nhà. Bạn tập gì cũng được, thậm chí không tập, chỉ nhổ cỏ trong vườn hay đi bộ ra chợ thay vì đi xe, cũng được, miễn là vận động tay chân và liền tù tì 20 phút.
(Ảnh minh họa)
8. Tránh xa mạng xã hội
Với một tinh thần đang mỏng manh, thực không có gì nguy hiểm hơn là mạng xã hội. Bạn chui vào đấy, vùng vẫy giữa những thông tin thật và giả, tâm thần sinh nghi hoặc ganh tị, bức bối; lúc thoát ra lại tự nguyền rủa mình đã tốn bao nhiêu là thì giờ để dòm vào cuộc đời người khác. Giữa lúc khủng hoảng giữa đời, mạng xã hội là một thức ăn nên tạm tránh.
9. Chọn thứ tích cực mà xem
Đời căn bản là tích cực. Tốt là bình thường, xấu là dị biệt. Báo chí sẽ chỉ đưa tin những thứ dị biệt. Những dòng tít gây đau lòng, sợ hãi thu hút nhiều độc giả nhưng lại khiến người đang buồn bã thêm kiệt quệ tinh thần. Tuy nhiên, chọn đọc hay không là do bạn.
(Ảnh minh họa)
Bạn có thể chọn những tờ báo ít tiêu cực hoặc những bộ phim vui. Tìm những thứ khiến bạn cười càng nhiều càng tốt. Người ta gọi đó là “tự kể cho mình một câu chuyện hay hơn”. Các nghiên cứu chỉ ra khi cười cơ thể tiết endorphin, hoạt hóa serotonin khiến thân tâm giãn ra, thư thả, hệ miễn dịch mạnh lên.
Làm cho bản thân cười được phải là nhiệm vụ mỗi ngày, kỷ luật ngang với ép mình mỗi ngày phải uống nước.
10. Lắng nghe người lớn tuổi hơn
Những người đang trải qua khủng hoảng giữa đời thường có khuynh hướng kết nối lại với tuổi trẻ của chính mình; không chỉ đơn giản lục lại ảnh cũ, họ còn cố sống cho trẻ lại, “phục hồi” một số thói quen của thời thanh xuân.
(Ảnh minh họa)
Nhưng các chuyên gia cho rằng làm thế chẳng ích gì. Tốt hơn hết là… làm ngược lại, hướng về những người lớn tuổi hơn, đặc biệt là những người đã từng đối mặt với thay đổi về tuổi tác và đã vượt qua ngoạn mục. Quan trọng nữa, khi giao du với người già hơn, bạn sẽ thấy mình đang sung sướng mà không biết hưởng!
11. Đặt ra các mục tiêu
Nghe hai chữ “mục tiêu”, những người trầm cảm thở dài. Đúng vậy, nhưng không có mục tiêu phấn đấu thì mọi biện pháp trên chỉ là “phần ngọn”. Đặt ra được mục tiêu thú vị để theo đuổi mới giải quyết rốt ráo được vấn đề.
Trong lúc buồn bã khó mà nghĩ được mục tiêu dài. Hãy làm một danh sách những việc cần hoàn tất trong tuần này, tháng này, năm này; từ những việc đơn giản nhất như lọc lại ngăn kéo, soạn bỏ quần áo cũ, sửa cho dứt khoát góc nhà dột… Mỗi việc đều làm thật gọn gàng, đừng bôi ra. Xong từng việc, bạn sẽ thấy đời mình ngăn nắp dần và khôi phục niềm tin trong bạn, rằng mình có thể thu xếp đời mình ổn thỏa.
12. Cuối cùng: hãy nghĩ may quá mình được làm người
Việc chúng ta được làm người quả thật là một điều kỳ diệu. Giáo sư Dr. Ali Binazir (Mỹ), tác giả của Đạo của Hẹn hò đã dùng những con số để thuyết phục những ai chưa tin việc mình sinh ra là một phép lạ.
Ông chỉ ra xác suất để một người nam gặp một người nữ là 1/20.000. Xác suất để hai người yêu nhau là 1/2.000, xác suất để đúng tinh trùng ấy gặp cái trứng ấy là 1/400.000.000.000.000.000 (1/400 quadrillion). Và đó là mới chỉ bắt đầu…
Thế mà buồn sao, nhiều người chúng ta không bao giờ trân trọng ý nghĩa của từ “đang sống”. Chúng ta dễ dàng đầu hàng nỗi buồn, nỗi sợ, vứt bỏ hết mơ ước, và chấp nhận những điều không thể chấp nhận. Chúng ta chỉ sống có một đời mà cam chịu làm những công việc không thích hợp, sống với người không thích hợp, cắn răng chịu để người khác coi mình không ra gì. Cứ thế năm này qua năm khác. Và rồi, dĩ nhiên thôi, ta chết.
Hãy nghĩ khác đi: được ra đời là một điều kỳ diệu. Được sống đến lúc này là một điều kỳ diệu. Đời là một bữa tiệc, đã được đến dự thì dự cho vui vào.
13. Cuối cùng: chẳng khủng hoảng nào tồn tại mãi
Người ta có câu: “Khi vui cứ sợ rồi sẽ hết. Khi buồn cứ lo sẽ không hết”. Thật là nghịch lý, khi mà cái nào rồi cũng hết. Nếu 12 phương cách trên kia vẫn không giúp bạn thoát được cơn khủng hoảng giữa đời, thì hãy bám lấy phương cách số 13 này. Từ từ, cứ hít thở sâu và yên lặng đợi, rồi khủng hoảng sẽ qua đi, một khi hoocmôn của ta ổn định!
(*) Tổng hợp và biên dịch
Elena Elfimova, nhà tâm lý trị liệu Nga có 20 năm kinh nghiệm thực tế, trong cuốn sách Những cuộc khủng hoảng quan hệ cá nhân đã giới thiệu một bài tập mà các bác sĩ tâm thần hay sử dụng để kiểm tra một trong những chức năng của não.
Lấy 100 trừ đi 7 (được 93), rồi từ 93 trừ đi 7 và cứ thể giảm dần… Nếu bạn tính được nhanh, không ngắc ngứ thì tốt, bằng không, ngay lập tức hãy vất máy tính đi. Số học và số học nhiều hơn để rèn trí não. Loại bỏ ngay các nhật ký và ghi chép trên điện thoại di động – hãy cố ghi nhớ sinh nhật bạn bè, người thân, số điện thoại. Khó à? Hãy cố thử!
Hãy đi du lịch! Một tuần lễ du lịch có thể mang tới cho bạn những ấn tượng và kỷ niệm hơn cả năm của một cuộc sống bình thường. Những địa điểm mới, con người, truyền thống và ngôn ngữ sẽ buộc não bạn phải bừng tỉnh trước cơn mê thiếp thường ngày.
Chúng ta thường tự an ủi mình rằng sự thông thái sẽ đến cùng tuổi tác, nhưng Elena Elfimova cảnh báo rằng đôi khi tuổi tác đến một mình. Bởi theo bà, nếu ở tuổi 20 ta không có trí tuệ thì ở tuổi 40 ta không thể có sự thông thái.
Đừng chiến đấu với tuổi tác, hãy biến nó thành đồng minh của bạn, và hãy tận hưởng niềm vui của sự trưởng thành.
Nắm vững được những vai trò tâm lý mới – đó là nhiệm vụ chính của bạn, người trung niên!
>> Theo tuoitre.vn <<