Sự gắn kết đau thương- Tại sao nạn nhân khó rời bỏ kẻ bạo hành?
Một trong những bi kịch lớn của mọi hình thức bạo hành đó là người bị bạo hành dần dà phụ thuộc về cảm xúc vào kẻ thủ ác thông qua một quá trình gọi là sự gắn kết đau thương. Những cuộc tấn công mà kẻ bạo hành gây ra đối với quan điểm của người phụ nữ, sự tiến bộ trong cuộc sống của cô ấy bị phá hoại, sự chia rẽ do anh ta gây nên giữa cô ấy và những người khác, những hậu quả tâm lý để lại cho cô khi anh ta trở nên đáng sợ—tất cả kết hợp lại với nhau khiến cho cô ấy ngày càng cần đến anh ta nhiều hơn. Đây là một điều mỉa mai cay đắng về tâm lý.
Trên thực tế, việc bạo hành trẻ em cũng diễn ra theo cách tương tự, đứa trẻ có thể ngày càng gắn bó với các bậc phụ huynh bạo hành hơn là với những người không bạo hành chúng. Những nạn nhân sống sót sau các vụ bắt giữ con tin hoặc bị tra tấn có thể bộc lộ những hiệu ứng tương tự, họ cố bảo vệ những kẻ hành hạ họ tránh những hậu quả về mặt pháp luật, khăng khăng cho rằng những kẻ bắt giữ con tin thực sự làm vậy vì muốn tốt cho họ, hoặc thậm chí còn mô tả về chúng là những người tử tế và biết quan tâm – một hiện tượng được gọi là hội chứng Stockholm (Một loạt những trạng thái tâm lý, trong đó nạn nhân lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm, có thể tớ mức bảo vệ và phát triển phẩm chất xấu của kẻ gây hại).
Tôi đã thấy những động năng này được minh họa bởi một cậu bé bị giật điện khi chạm vào một hàng rào điện và cậu bé quá sợ hãi tới nỗi cứ bám chặt vào hàng rào để tìm sự an toàn – và sẽ không buông tay ra khi mỗi cú điện giật làm tăng nỗi sợ hãi của cậu, cho đến khi chị gái của cậu tiếp cận được và kéo cậu bé ra.
Gần như không có kẻ bạo hành nào mọi lúc mọi nơi đều xấu xa hoặc đáng sợ. Thỉnh thoảng anh ta cũng biết yêu thương, dịu dàng và hài hước, và thậm chí còn biết thấu cảm và trắc ẩn. Sự tử tế xuất hiện không liên tục và khó đoán này là yếu tố quan trọng để hình thành nên sự gắn kết đau thương. Khi một người, đàn ông hay phụ nữ, phải chịu đựng sự đối đãi gây tổn thương và khắc nghiệt trong suốt một thời gian dài thì anh/cô ấy tự nhiên sẽ tràn ngập cảm giác yêu thương và biết ơn đối với bất kỳ ai mang lại sự giải tỏa, giống như một người có thể trào dâng tình cảm đối với bàn tay đưa cho họ một ly nước vào một ngày nóng như thiêu đốt.
Nhưng trong các trường hợp bị bạo hành, kẻ hành hạ và người giải cứu là cùng một người. Khi một người đàn ông dừng quát tháo vợ anh ta và không gọi cô ấy là một “kẻ khốn vô dụng”, thay vào đó đưa cô đi du lịch, thì phản ứng cảm xúc thông thường sẽ là lòng biết ơn đối với anh ta. Khi anh ta đánh thức cô dậy để đòi làm chuyện đó lúc nửa đêm, và sau đấy lại im lặng và cho phép cô có được giấc ngủ mà cô vô cùng khao khát, cô ấy sẽ cảm thấy sự bình an nhẹ nhõm vì anh ta để cho cô được yên.
(Ảnh minh họa)
Những chu kỳ vào ra, qua lại của thời kỳ tàn ác của anh ta có thể làm bạn cảm thấy rất gần gũi với anh ta trong những khoảng thời gian anh ta tỏ ra tử tế và yêu thương bạn. Bạn có thể đi đến cảm nhận rằng cơn ác mộng của sự bạo hành của anh ta là một trải nghiệm chung mà hai bạn cùng chia sẻ và cùng nhau thoát ra khỏi, một ảo tưởng nguy hiểm mà sang chấn tâm lý có thể gây ra.
Tôi thường nghe một phụ nữ bị bạo hành nói như thế này về bạn đời của cô ấy, “Anh ấy thực sự hiểu tôi,” hay “Chẳng có ai hiểu tôi như cách của anh ấy cả.” Điều này có thể đúng, nhưng lý do mà anh ta dường như hiểu được bạn khá tốt là bởi vì anh ta đã tìm hiểu những phương cách để thao túng cảm xúc và kiểm soát những phản ứng của bạn. Thỉnh thoảng anh ta có vẻ như thấu hiểu được anh ta đã gây tổn thương kinh khủng cho bạn như thế nào, điều ấy có thể khiến bạn cảm thấy thân thiết với anh ta, nhưng đấy là ảo tưởng khác; nếu anh ta có thể thấu cảm về nỗi đau mà anh ta gây ra cho bạn thì anh ta đã chấm dứt việc bạo hành.
Xã hội có xu hướng gọi một người phụ nữ là “khổ dâm” hoặc “hùa theo sự bệnh hoạn của anh ta” vì cảm thấy biết ơn hoặc gắn bó với một người đàn ông bạo hành. Nhưng trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra hầu như ít có sự khác biệt về giới trong quá trình Ràng buộc đau thương và đàn ông cũng trở nên gắn bó với người bắt cóc họ cũng giống như phụ nữ vậy.
Sang chấn tâm lý của việc bị bạo hành kinh niên cũng có thể làm một phụ nữ phát triển nỗi sợ hãi ở một mình vào ban đêm, không tự tin vào khả năng quản lý cuộc đời của cô ấy, và cảm giác lạc long trước người khác, đặc biệt nếu kẻ bạo hành đẩy cô ấy ra xa khỏi gia đình và bạn bè. Tất cả những hậu quả đó của việc bạo hành có thể khiến phụ nữ rất khó để ly thân với người chồng bạo hành hơn là người chồng không bạo hành. Bởi vậy áp lực tái hợp có thể rất lớn.
Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy hầu hết những phụ nữ bị bạo hành đã rời bỏ kẻ bạo hành rất nhiều lần trước khi đạt được khả năng tránh xa anh ta vĩnh viễn. Quá trình kéo dài này phần lớn là do sự cưỡng bức và thao túng liên tục của kẻ bạo hành, nhưng nó cũng do những gắn kết đau thương mà anh ta đã gây ra cho người bạn đời.
Một bài tập có thể giúp bạn xử lý cái bẫy này đó là lập danh sách tất cả các cách, bao gồm cả những cách mà bạn cảm thấy mình phụ thuộc anh ta về mặt cảm xúc, sau đó lập một danh sách khác liệt kê các bước lớn hoặc bước nhỏ mà bạn có thể thực hiện để bắt đầu trở nên độc lập hơn. Những danh sách này có thể hướng dẫn bạn tập trung năng lượng theo hướng mà bạn cần đi.
Trích lược từ cuốn “Tại sao anh ta làm thế – Giải mã tâm lý kẻ bạo hành” của tác giả: Lundy Bancroft