Hạnh phúc lớn khi cả gia đình cùng ăn tối
Ăn tối và chia sẻ những câu chuyện cùng gia đình sẽ giúp bạn cảm thấy như được hồi sinh sau một ngày làm việc căng thẳng.
Mark Twain đã nói rằng: “Những báo cáo về những “cái chết” của tôi đã được phóng đại lên rất nhiều”. Cái chết của bữa ăn tối cùng gia đình cũng đã được phóng đại tương tự. Trong khi chỉ một vài năm về trước, các phương tiện truyền thông đã đề cập đến vấn đề người Mỹ quá bận rộn đến nỗi không có thời gian để ngồi lại cùng ăn tối với gia đình, thì những báo cáo gần đây đã cho thấy kết quả khả quan hơn rằng bữa ăn gia đình vẫn còn tồn tại. Một báo cáo khác vào năm 2013 của Công ty cổ phần quốc gia và dịch vụ cộng đồng, đã cung cấp thông tin khoảng 88% gia đình Mỹ ăn tối cùng nhau trung bình 5 lần một tuần. Đây thực sự là một tin đáng mừng, vì nhiều bằng chứng đã cho thấy việc dùng bữa tối cùng với bố mẹ và anh chị em có rất nhiều lợi ích tích cực cho trẻ. Trung tâm quốc gia về “Cai nghiện và Lạm dụng chất kích thích” đã chứng minh những đứa trẻ được sống trong gia đình thường xuyên ăn tối cùng nhau ít có khả năng bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội như: hút thuốc, ma tuý và tình dục, đồng thời có xu hướng tham gia vào các hoạt động bổ ích và đóng góp cho xã hội.
Tại cuộc nghiên cứu về “Những mẩu chuyện của gia đình”, chúng tôi đã thật sự cảm thấy hứng thú về lợi ích của việc quây quần tại bữa tối đối với trẻ cũng như các bậc cha mẹ. Đồng nghiệp của tôi là Marshall Duke cùng với tôi, đã khảo sát một vài gia đình tại Mỹ khác nhau về chủng tộc và điều kiện kinh tế bằng cách ghi âm lại những cuộc trò chuyện vào bữa tối. Những gia đình tham gia vào cuộc khảo sát thường có từ 1 đến 6 đứa trẻ mà phần đông là từ 2 đến 3 đứa trẻ, trong đó mỗi gia đình đều có 1 bé đang ở tuổi dậy thì, lứa tuổi dễ bị cám dỗ bởi các tệ nạn xã hội nhất. Vậy chuyện gì đã xảy ra tại bàn ăn khiến cho sự phát triển của đứa bé đó được bảo vệ một cách an toàn?
Suy nghĩ đầu tiên của chúng tôi đó là thời gian ăn tối cùng nhau, chính là khoảng thời gian tuyệt vời nhất cho mọi thành viên có thể quay về quây quần bên mâm cơm sau một ngày làm việc và học tập mệt mỏi, cùng chia sẻ những mẩu chuyện và những trải nghiệm trong ngày, đồng thời cũng là để tăng sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Chúng tôi đã nghe tất cả các đoạn hội thoại và đánh dấu mỗi lần có thành viên nào đó kể chuyện (mà không phải là nói về đồ ăn hoặc thảo luận về các vấn đề đang xảy ra trên thế giới). Phần lớn họ rất hay kể chuyện, mỗi câu chuyện kéo dài khoảng 5 phút và khoảng một nửa số câu chuyện được bắt đầu với: “Hôm nay con/bố/mẹ…”. Họ cùng nhau chia sẻ về những thành tích đạt được trong ngày, các bé thì kể chuyện về bữa ăn trưa cùng với bạn còn bố mẹ thì lại hay đề cập đến những vấn đề xảy ra tại công ty. Tất cả câu chuyện đều được chăm chú lắng nghe.
Bên cạnh đó, một thứ có vẻ hấp dẫn và thích thú hơn đó là mọi người cùng nhau chia sẻ và thảo luận về những trải nghiệm mà cả gia đình đã làm cùng nhau như: đi xem phim hoặc đi chơi dã ngoại. Khi mỗi câu chuyện đã được đưa ra để bàn luận, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều sẽ tham gia, mỗi người nói một ít và tập hợp lại thành một câu chuyện. Những chia sẻ như thế này rõ ràng sẽ gây hào hứng thêm rất nhiều và tăng tình cảm giữa các thành viên.
Nhưng thứ mà thật sự gây bất ngờ cho chúng tôi, đó chính là những đứa trẻ đang ở tuổi dậy thì. Ngoài ghi âm lại những cuộc hội thoại của gia đình tại bữa cơm tối, chúng tôi đồng thời thu thập thêm số liệu của các thành viên đang ở tuổi vị thành niên trong gia đình bao gồm: thông tin về giao tiếp xã hội, cảm xúc và việc học tập ở trường. Những đứa trẻ vị thành niên càng chia sẻ nhiều cùng gia đình, càng biểu hiện một kết quả tốt trên các khía cạnh kể trên. Chúng tự tin, năng động, học tập tốt nhưng ít khi biểu hiện một số vấn đề về hành vi như: lo lắng, thất vọng, buồn chán, tức giận, sử dụng chất kích thích…
Chia sẻ chính là chìa khoá để con người được thể hiện bản thân mình, xây dựng mối quan hệ và sát lại gần nhau hơn. Gia đình thường xuyên nói chuyện với trẻ cũng chính là giúp chúng cảm thấy được che chở, bảo bọc và định hình tính cách theo chiều hướng tích cực sau này. Vậy làm thế nào để những buổi nói chuyện như thế này được duy trì và mỗi thành viên luôn cảm thấy hứng thú?
Có rất nhiều loại mẩu chuyện được chia sẻ. Tại đây tôi chỉ sẽ tập trung vào 2 loại mà theo chúng tôi nghiên cứu là có mối liên quan đến sự phát triển của trẻ vị thành niên. Đó chính là những mẩu chuyện tự sự (kể về những chuyện xảy ra trong ngày của mỗi thành viên) và những câu chuyện chung của cả gia đình. Những câu chuyện tự sự, sẽ giúp các thành viên được giải toả cuối ngày. Đồng thời bố mẹ và con cái có thể nắm bắt được cuộc sống của nhau và xây dựng thói quen chia sẻ để hiểu tính cách mỗi người. Mặt khác, những câu chuyện chung của cả gia đình lại là dịp để mọi người cùng nhau nói về những chuyện đã xảy ra như: xem phim hoặc đi dã ngoại, việc này vô tình tạo cảm giác gần gũi, gắn kết, an toàn một cách tự nhiên. Những câu chuyện được kể tại bàn ăn thường là những câu chuyện vui vẻ nhưng những câu chuyện buồn cũng không kém phần quan trọng. Sau đây là những mẹo nhỏ để giúp những câu chuyện làm tăng sự kết nối hơn.
Câu chuyện tự sự
- Bố mẹ hỏi những câu: “Hôm nay ở trường có gì vui không con?” thường sẽ nhận được những câu trả lời không mang thông tin gì. Hãy cố gắng hỏi những câu hỏi cụ thể hơn như: “Con ăn trưa với ai? Chuyện gì con thấy vui nhất trong lúc tập đá banh?”, có thể khiến bé hứng thú hơn và bắt đầu kể chuyện. Khơi gợi và khiến cho trẻ kể nhiều hơn về những trải nghiệm của chúng trong ngày giúp trẻ hiểu chính bản thân mình và những người khác hơn.
- Bố mẹ cũng nên kể về những câu chuyện của mình, đặc biệt là khi trong nhà đang có trẻ ở tuổi dậy thì. Học được nhiều điều về cuộc sống bên ngoài và kinh nghiệm sống từ cha mẹ sẽ giúp bé hiểu cha mẹ hơn, đồng thời có cái nhìn ban đầu về thế giới của người lớn.
Câu chuyện của cả gia đình
- Cần chắn chắn rằng mọi thành viên đều có cơ hội kể một ít ký ức của mình về chuyến đi và sau đó hỏi từng người xem phần họ thích nhất là gì. Quan trọng hơn chính là cảm nhận và quan điểm của mỗi người cần được tôn trọng. Mặc dù những thành viên khác có thể không đồng ý hoặc họ có những trải nghiệm theo những cách khác. Đây cũng là cách giúp từng người hiểu được quan điểm của nhau, trẻ sẽ cảm thấy mình được công nhận và đồng thời học được cách lắng nghe và thấy hiểu người khác.
- Đôi khi những chuyện buồn có thể xuất hiện trong bữa ăn tối. Ví dụ như: sự ra đi của chú chó cưng hoặc không tham gia được vào lễ kỷ niệm ngày cưới của ông bà, đừng ngại chia sẻ những điều này mà hãy tận dụng nó để hiểu được những đứa trẻ cảm thấy như thế nào và giúp chúng học được nhiều điều khi gặp những tình huống khó khăn. Chia sẻ những trải nghiệm buồn chính là giúp trẻ hiểu được chúng không hề đơn độc.
Và trên hết bạn không cần phải làm điều gì, hãy để những câu chuyện được bắt đầu một cách tự nhiên, chúng sẽ tự động trở thành thứ kết nối các thành viên trong gia đình. Nhưng đôi khi chú ý một chút bạn có thể biến những câu chuyện này thành cơ hội để xây dựng tình cảm gia đình thêm vững mạnh.
Vậy bạn còn chờ gì nữa mà không lên kế hoạch cho bữa ăn tối cùng gia đình.
Theo Thạc Sĩ Robin Fivush (Psychology today)