Vì sao một số người không thể vượt qua nỗi đau mất người thân?
1. Tổng quan
Khi người thân hay người mà ta thương yêu mất đi, hầu như ai cũng trải qua một giai đoạn trầm buồn. Những cảm xúc thường gặp nhất là buồn bã, mất mát hay tiếc nuối. Nhưng rồi dần dần, khi thời gian qua đi, mọi người sẽ có thể học cách chấp nhận và tiếp tục sống.
Tuy nhiên, khi những cảm giác mất mát này không biến mất dù thời gian dài đã trôi qua, rất có thể đây là biểu hiện của bệnh lý. Rối loạn này được gọi là rối loạn mất người thân phức tạp dai dẳng, hay nỗi đau phức tạp (complicated grief). Khi đó, người bệnh cảm nhận nỗi đau một cách kéo dài và không thể hồi phục được. Họ không thể trở lại với cuộc sống thường nhật, hay gặp khó khăn trong sinh hoạt, đời sống.
Mỗi người có cách vượt qua nỗi đau khác nhau. Thông thường, các giai đoạn mà một người trải qua khi có mất mát có thể là:
- Chấp nhận mất mát.
- Cho phép bản thân trải qua cảm giác đau buồn vì mất mát.
- Thích nghi với cuộc sống mới khi người thân đã không còn bên cạnh.
- Có những mối quan hệ mới.
Bạn nên lưu ý rằng những giai đoạn này có thể không xảy ra theo thứ tự. Chúng có thể rất thay đổi tùy theo trường hợp của từng người.
Nếu như bạn không thể vượt qua những giai đoạn trên sau một năm, rất có thể bạn đang có nỗi đau phức tạp. Khi đó, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp.
2. Biểu hiện của rối loạn mất người thân phức tạp dai dẳng
Một vài tháng đầu sau khi mất người thân, các biểu hiện của sự đau buồn bình thường hoàn toàn giống với nỗi đau phức tạp. Tuy nhiên, sau một thời gian, mọi người sẽ cảm thấy khá hơn và sự đau buồn dần biến mất. Trong khi đó, những người có nỗi đau phức tạp sẽ tiếp tục cảm giác buồn bã, đau khổ. Thậm chí, có người còn cảm thấy tệ hơn khi thời gian trôi đi.
Các biểu hiện có thể nhận thấy ở người có nỗi đau phức tạp là:
- Cảm giác buồn bã rất nhiều, đau đớn vì cái chết của người thân yêu.
- Không còn quan tâm vào thứ gì khác ngoài sự mất mát.
- Tỏ ra cực kỳ quan tâm đến những thứ mà người thân đã mất để lại hoặc hành động tránh né chúng để tránh gợi nhớ.
- Ngày càng trở nên tiều tụy, hao mòn vì sự mất mát.
- Gặp vấn đề trong việc chấp nhận sự thật về cái chết.
- Cảm giác tê cứng hay lãnh đạm.
- Cảm giác cay đắng về cái chết.
- Thấy cuộc sống trở nên vô nghĩa và không đáng sống.
- Mất niềm tin vào người khác.
- Mất khả năng tận hưởng những niềm vui hay cảm xúc tích cực.
Những đặc điểm gợi ý ở người có rối loạn mất người thân dai dẳng phức tạp
- Họ gặp khó khăn để trở về cuộc sống hàng ngày.
- Tự tách biệt mình với người khác, thu rút khỏi các hoạt động xã hội.
- Cảm thấy trầm cảm, đau buồn sau sắc, tội lỗi hay tự trách bản thân.
- Tin rằng mình đã làm điều gì đó sai lầm và nghĩ mình có thể ngăn cho cái chết ấy không xảy ra.
- Cảm giác cuộc sống không còn đáng sống khi không có người đã khuất bên cạnh.
- Ước gì mình cũng chết cùng với người thân.
3. Nguyên nhân nào dẫn đến rối loạn này?
Hiện nay, nguyên nhân cụ thể của rối loạn này vẫn chưa được tìm ra. Tình trạng này được coi là một bệnh lý tâm thần. Cũng như bao bệnh lý tâm thần khác, rối loạn này liên quan đến rất nhiều yếu tố, như yếu tố môi trường, tính cách, hay tình trạng của các rối loạn do các chất trong cơ thể.
Các yếu tố nguy cơ của nỗi đau phức tạp
Rối loạn này thường gặp ở nữ giới và người lớn tuổi. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ rối loạn như:
- Cái chết đến bất ngờ hoặc có liên quan tới bạo lực, như do tai nạn, bị sát hại hay trường hợp người thân tự tử.
- Người mất đi là trẻ nhỏ.
- Mối quan hệ với người đã khuất là rất gắn kết hay phụ thuộc.
- Những người xa lánh xã hội hoặc không có các mối liên kết xã hội như bạn bè…
- Đã từng mắc trầm cảm, rối loạn lo lắng vì xa cách hay rối loạn stress sau sang chấn.
- Có các sự kiện sang chấn lúc nhỏ, như bị lạm dụng hoặc bỏ rơi.
- Gặp một khó khăn khác trong cuộc sống, như khó khăn về tài chính.
4. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng gì?
Nỗi đau phức tạp có thể ảnh hưởng đến bạn về cả thể chất, tinh thần lẫn khả năng xã hội. Nếu không được điều trị, các biến chứng có thể xảy ra là:
- Trầm cảm.
- Ý nghĩ hay hành vi tự sát.
- Lo âu, bao gồm cả rối loạn stress sau sang chấn.
- Mất ngủ, khó khăn trong việc thư giãn.
- Làm tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh lý cơ thể khác, như bệnh tim mạch, ung thư hay tăng huyết áp.
- Gặp khó khăn lâu dài trong các hoạt động sống, các mối quan hệ cũng như công việc.
- Nghiện rượu, ma túy hay các chất gây nghiện khác.
5. Làm sao để phòng ngừa rối loạn này?
Hiện tại chưa tìm được phương pháp hiệu quả để phòng chống rối loạn này. Các chuyên gia gợi ý rằng những người có yếu tố nguy cơ nên được tư vấn và hỗ trợ từ sớm khi biến cố xảy ra. Nếu cái chết có thể dự đoán trước (như khi bệnh tật) thì việc chuẩn bị sẵn tinh thần cho người thân cũng rất có ích.
Để nhanh chóng hồi phục lại và giảm bớt đau buồn, bạn có thể:
- Trò chuyện: Hãy trò chuyện với mọi người xung quanh về nỗi buồn của mình. Nếu bạn muốn khóc, cứ khóc và để cảm xúc được tuôn ra. Điều này sẽ giúp bạn không bị mắc kẹt lại trong sự đau khổ mà tạo cơ hội để vượt qua nó. Bạn chỉ có thể hồi phục lại một khi chấp nhận đối mặt với sự mất mát.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ: Sự giúp đỡ, an ủi của người thân, bạn bè và cộng đồng xung quanh bạn có thể giúp ích rất nhiều.
- Nhận sự tư vấn về nỗi đau từ các chuyên gia: Các chuyên gia về tâm lý, tâm thần có thể giúp bạn nhận ra và đối mặt với cảm xúc của mình. Họ cũng giúp bạn học tập cách để đối mặt với vấn đề một cách lành mạnh. Do đó, được tư vấn từ các chuyên gia có thể giúp phòng tránh những suy nghĩ và hành vi tiêu cực.
6. Phương pháp chẩn đoán
Nỗi đau là vấn đề hết sức riêng tư của mỗi người, do đó việc đánh giá sự đau buồn đó là bình thường hay phức tạp có thể rất khó khăn. Hiện tại, mốc thời gian để đánh giá là đủ lâu để một người có thể nguôi ngoai nỗi đau chưa thật sự được thống nhất.
Nỗi đau phức tạp có thể được nghĩ đến khi sự đau buồn không giảm bớt đi sau vài tháng. Đa số các chuyên gia về tâm thần chọn mốc thời gian là 12 tháng để đánh giá. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc ở từng trường hợp cụ thể.
Có rất nhiều điểm tương đồng giữa nỗi đau phức tạp và rối loạn trầm cảm chủ yếu. Tuy nhiên, có những điểm cơ bản để bác sĩ có thể phân biệt hai rối loạn này. Bạn cũng nên biết rằng đôi khi các rối loạn này có thể đi cùng với nhau. Do đó, việc chẩn đoán chính xác là rất quan trọng để điều trị có hiệu quả.
7. Điều trị rối loạn này như thế nào?
Để chọn lựa phương pháp điều trị tối ưu cho bạn, các bác sĩ và chuyên gia tâm lý, tâm thần phải trao đổi và phối hợp với nhau. Bạn nên trao đổi thật kỹ lưỡng với bác sĩ của mình để thấu hiểu liệu trình điều trị.
7.1. Tâm lý liệu pháp
Tâm lý liệu pháp thường được sử dụng để điều trị nỗi đau phức tạp. Liệu pháp này khá tương đồng với tâm lý liệu pháp được sử dụng cho bệnh nhân với rối loạn stress sau sang chấn.
Trong trị liệu với tâm lý liệu pháp, bạn có thể:
- Được học về nỗi đau phức tạp và cách điều trị nó ra sao.
- Khám phá các chủ đề như các phản ứng với nỗi đau, các triệu chứng của nỗi đau phức tạp, và đối chiếu lại với tình huống của bạn.
- Tạo ra những cuộc trò chuyện tưởng tượng với người đã khuất để làm nguôi đi sự ám ảnh về mất mát, cũng như làm giảm bớt sự đau khổ.
- Khám phá quá trình của tư duy và cảm xúc.
- Cải thiện các kỹ năng để đối mặt với vấn đề.
- Giảm bớt cảm giác tội lỗi.
Những liệu pháp tâm lý khác có thể được sử dụng kết hợp nếu bệnh nhân có các rối loạn khác như trầm cảm hay rối loạn stress sau sang chấn.
7.2. Điều trị dùng thuốc
Hiện tại, các nghiên cứu về việc sử dụng thuốc để điều trị còn chưa nhiều. Đối với các bệnh nhân có nỗi đau phức tạp kết hợp với trầm cảm, thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng.
Một vài lời khuyên dành cho bệnh nhân
- Hãy kiên nhẫn tái khám và theo dõi bệnh với lịch hẹn của bác sĩ. Việc điều trị rối loạn này cần một thời gian rất dài, do đó việc kiên nhẫn là mấu chốt quyết định thành công trong điều trị.
- Hãy tập luyện các kỹ năng để giảm stress hay tập thư giãn.
- Hãy chăm sóc bản thân thật tốt. Cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống lành mạnh và tập thể dục.
- Tham gia vào các hoạt động cộng đồng, xã hội, gia đình. Hãy tận hưởng những niềm vui mà các hoạt động này mang lại.
- Học một kỹ năng, hay có một sở thích mới.
- Tránh sử dụng rượu bia và các chất kích thích.
Nỗi đau mất người thân là một trong những biến cố về mặt cảm xúc mà rất nhiều người phải trải qua. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể vượt qua điều này. Nếu bạn thấy mình hay ai đó xung quanh bạn có những biểu hiện như bài viết ở trên, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ. Việc được chẩn đoán và hỗ trợ từ sớm sẽ có tác động rất tích cực và phòng ngừa những biến cố nguy hiểm, không mong muốn. Hãy luôn lắng nghe bản thân và đối mặt với cảm xúc của mình. Bạn chỉ vượt qua khi bạn dám đối mặt với nó. Và hãy nhớ, bạn không hề đơn độc.
>> Nguồn: https://youmed.vn/tin-tuc/roi-loan-noi-dau-mat-nguoi-than/