Không nên cho trẻ xem hoạt hình diễn biến nhanh
Đã có nhiều cảnh báo về những ảnh hưởng đến não bộ khi trẻ xem ti vi quá nhiều. Và một nghiên cứu mới đây đã bổ sung thêm những bằng chứng cho thấy diễn biến nhanh trong một số phim hoạt hình ảnh hưởng xấu đến não bộ.
Mới đây, nhà tâm lý học Angelina Lillard và các cộng sự tại ĐH Virginia đã tiến hành nghiên cứu 60 trẻ ở độ tuổi 4 (thông qua bố mẹ). Họ chia thành ba nhóm: Trong thời gian 9 phút, nhóm thứ nhất chơi tô màu; nhóm thứ hai xem “một phim hoạt hình giả tưởng rất nổi tiếng về một chú bé bọt biển sống dưới đại dương.”, nhóm thứ ba xem “một phim hoạt hình thực tế của kênh PBS về một cậu bé mẫu giáo”
Lillard không cho biết cụ thể tên những bộ phim đó, nhưng những mô tả rất phù hợp với bộ phim “Bọt biển Bob” (11 giây lại đổi cảnh một lần, trong mỗi cảnh lại có rất nhiều diễn biến nhanh) và “Gaillou” (mỗi cảnh cách nhau tầm 34 giây) của đài PBS.
Các phim hoạt hình cho trẻ ngày càng có diễn biến nhanh hơn và bọn trẻ thì ngày càng xem ti vi nhiều hơn.
Nếu những năm 70, trẻ bắt đầu xem phim từ khi 4 tuổi thì nay độ tuổi bắt đầu xem ti vi là 4 tháng. Người ta ước tính rằng 2/3 trẻ dưới 3 tuổi trung bình mỗi ngày xem tivi hoặc nhìn vào một màn hình gì đó 2 tiếng.
Người ta cũng quan ngại các chương trình quá hiếu động sẽ ảnh hưởng đến não bộ, dẫn đến các vấn đề về khả năng tập trung sau này.
Sau 9 phút xem ti vi hoặc tô tranh, bọn trẻ được thực hiện một vài hoạt động khác nhau để quan sát khả năng điều khiển hành vi hoặc khả năng tập trung của chúng. Bọn trẻ được kiểm tra khả năng làm theo mệnh lệnh với trò di chuyển đĩa từ chỗ này sang chỗ khác, chơi “Simon Says” (người lớn sẽ yêu cầu trẻ đưa tay lên đầu, chân hay các bộ phận khác của cơ thể) và chơi trò nhắc lại dãy số theo thứ tự ngược.
Các nhà nghiên cứu cũng cho trẻ chơi Thử thách kẹo dẻo, một phương pháp rất phổ biến kiểm tra khả năng kiềm chế của trẻ. Các nhà nghiên cứu để lên bàn một cái kẹo dẻo hoặc bánh quy (tùy sở thích của bé), chúng được lựa chọn, một là ăn luôn, hai là không ăn mà chờ đến khi người lớn quay lại thì sẽ được 10 cái kẹo.
Kiểm tra này cho ta dự đoán được khi lớn lên trẻ có khả năng kiềm chế đến mức độ nào. Việc làm này rất có ý nghĩa vì khả năng điều khiển bản thân và kiềm chế cơn thèm muốn được coi là chìa khóa cho mọi vấn đề, từ việc duy trì sức khỏe đến những thành công trong công việc.
Các nhà nghiên cứu thu thập kết quả và sắp xếp theo thang điểm chuẩn để so sánh giữa các nhóm. Họ nhận ra rằng nhóm xem phim “Bọt biển Bob” có điểm số khá thấp. Ví dụ, điểm số trung bình của trẻ xem phim của PBS trong phần kiểm tra với kẹo dẻo là khoảng 0,2, còn trẻ xem “Bọt biển Bob” chỉ đạt gần bằng – 0,5.
Những trẻ xem phim hoạt hình diễn biến chậm có điểm số bằng với nhóm tô màu. Điều này chứng minh rằng, việc xem tivi hay không không làm trẻ mất tập trung mà chính là loại chương trình mà chúng xem.
Theo Dimitri Christakis, Viện nghiên cứu trẻ em Seattle, ĐH Washington, tuy nghiên cứu này chỉ tiến hành trên quy mô nhỏ, các nhà khoa học cũng không chắc tác động đó sẽ kéo dài bao lâu, nhưng nó cũng chỉ ra rằng không chỉ thời lượng xem ti vi mà cả loại phim mà trẻ xem đều đáng lưu tâm.
Tuy nhiên, Christakis nói: “Không nên khái quát hóa vấn đề, cho rằng “Bọt biển Bob” là phim không nên xem còn “Caillou” là phim nên xem. Vấn đề không nằm ở một bộ phim cụ thể nào cả mà là ở tính chất của bộ phim đó.”
Những chương trình như “Phố Hạt Vừng” (Seasame Street) có tốc độ vừa phải. Về lý thuyết, chương trình này không tổn hại đến não bộ của trẻ, nhưng điều đó lại chưa được kiểm chứng. Một nghiên cứu năm 1977 công bố trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển công nghệ giáo dục đã so sánh tác động lên nhận thức giữa các tập phim “Phố Hạt Vừng” nhanh và “Phố Hạt Vừng” chậm nhưng không thấy có khác biệt. Tuy nhiên, năm 2004, một nghiên cứu của tạp chí Kỹ năng Tri giác và Vận động cũng cho thấy “Phố Hạt Vừng” cũng đã tăng tốc độ chương trình từ những năm 70 và hiện chưa có ai nghiên cứu về các tập gần đây.
Các nhà nghiên cứu tuy nhiên chưa chắc chắn về thời gian tác động của những ảnh hưởng đó cũng như tác động lên những trẻ trên hoặc dưới 4 tuổi. Christakis cho rằng nghiên cứu dựa trên kết quả quan sát cho thấy càng tiếp xúc nhiều với các phương tiện truyền thông thì tác động của nó càng lâu dài. Cần có nhiều nghiên cứu trên quy mô lớn hơn mới có thể trả lời cho vấn đề này, tuy nhiên nghiên cứu cũng đã rung lên một hồi chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ.
Theo livescience