Tự Tin Hay Tự Thương (Self-compassion) Sẽ Khiến Cuộc Sống Trở Nên Dễ Dàng Hơn?

Tự Tin Hay Tự Thương (Self-compassion) Sẽ Khiến Cuộc Sống Trở Nên Dễ Dàng Hơn?

Khi nói về chủ đề phát triển bản thân, xã hội thường hay đề cao những người tự chủ hoặc tự tin. Nhưng một nghiên cứu mới đây, cho thấy rằng lòng tự thương (self-compassion) có thể là một cách tốt để tiếp cận sự thành công và phát triển bản thân. Ví dụ, trong khi sự tự tin làm bạn cảm thấy tự hào về năng lực của mình thì lòng tự thương khuyến khích bạn thừa nhận những khiếm khuyết và giới hạn bản thân. Một khi bạn đã ghi nhận và chấp nhận những khiếm khuyết, bạn sẽ nhìn chúng một cách khách quan, thực tế hơn và từ đó cuộc sống của bạn cũng sẽ có những thay đổi tích cực.

Hiểu về tự thương

Được học hỏi từ tâm lý học ứng dụng Phật giáo, khái niệm tự thương (self-compassion) không giống với sự tự tôn (self-esteem) hay sự tự tin (self-confidence). Nó là một lối sống hay một cách đối xử với bản thân hơn là nghĩ về bản thân. Theo tiến sĩ Kristin Neff – một giáo sư tâm lý của trường đại học Texas, tự thương với bản thân bao gồm việc bạn đối xử với chính mình như cách bạn sẽ đối xử với bạn bè hoặc gia đình ngay cả trong những lúc họ gặp thất bại hoặc mắc sai lầm. Nói chung, tự thương là việc chấp nhận rằng bạn cũng là con người mà thôi và con người ai cũng phạm lỗi lầm. Bạn không nên chú tâm mãi vào những sai lầm và chì chiết bản thân vì những điều ấy.

Tiến sĩ Neff là người đầu tiên đo lường và định nghĩa tự thương với bản thân và cung cấp một số bài thiền giúp phát triển kỹ năng này. Bà cũng chia sẻ rất nhiều bài tập tự thương mà bạn có thể thực hành bao gồm bài tập thở trong yêu thương và thiền tâm từ (affectionate breathing and loving-kindness meditation).

Những nhân tố chính của lòng tự thương

Khi thực hành tự thương, có rất nhiều nhân tố thiết yếu tạo nên sự thành công. Chúng bao gồm sự tử tế với chính bản thân bạn – như cách bạn đối xử với một người bạn của mình, sự tỉnh thức về bản thân – về cả những khiếm khuyết và những điều tốt đẹp và cho phép bạn có được sự tự do để mình không hoàn hảo. Dưới đây là những giới thiệu khái quát về những yếu tố chính của tự thương.

  • Tự tử tế – Self-kindness

Khi bạn thực hành sự tử tế với bản thân, bạn nhận ra rằng tất cả mọi người đều không hoàn hảo và họ cũng có những cuộc sống không hoàn hảo. Và vì thế bạn tử tế với bản thân thay vì chỉ trích khi có những điều diễn ra không như mong muốn. Ví dụ, khi có việc gì đó bất như ý, tiến sĩ Neff nói rằng phản ứng đầu tiên của bạn có thể là ý nghĩ “Điều này không nên xảy ra như vậy” hoặc bạn có thể nghĩ “Vấn đề này không nên xảy ra trong cuộc sống của tôi. Tất cả những người khác đều đang có những cuộc sống hạnh phúc và bình thường, rất hoàn hảo.”

Với những suy nghĩ tiêu cực hoặc không tử tế, sự đau khổ mà bạn phải trải qua có thể sẽ gia tăng vì nó làm bạn cảm thấy bị cô lập, đơn độc và khác biệt với tất cả mọi người.

Nhưng khi có sự tử tế với bản thân, thay vì suy nghĩ “Mình thật tội nghiệp”, bạn sẽ nghĩ “Thật ra mọi người đều thỉnh thoảng gặp thất bại”. Bạn công nhận tất cả mọi người đều có những trắc trở và vấn đề riêng vì đó là một phần trải nghiệm của con người. Khi bạn bắt đầu suy nghĩ theo cách đó, nó thay đổi cách bạn nhìn những thử thách và khó khăn trong cuộc sống và mở ra cho bạn một cánh cửa để trưởng thành từ trải nghiệm. Nhưng nếu bạn cảm thấy nó thật bất thường hoặc nó là điều không nên xảy ra thì bạn sẽ bắt đầu tự trách bản thân.

  • Sự tỉnh thức – Mindfulness

Một yếu tố khác của tự thương là sự tỉnh thức. Khi bạn tỉnh thức, bạn phải sẵn sàng đối mặt với tổn thương, sự đau khổ và ghi nhận chúng. Hầu hết mọi người không muốn làm điều đó. Kỳ thật, họ thường xuyên muốn né tránh điều này. Họ muốn né tránh nỗi đau và đi trực tiếp vào việc giải quyết vấn đề. Nhưng khi cuộc sống có những vấn đề ập đến khiến bạn bối rối, điều quan trọng là bạn dành thời gian tỉnh thức về việc những trắc trở hoặc thất bại đó làm bạn cảm thấy như thế nào và lý do mà chúng xuất hiện. Khi bạn làm được việc đó, khả năng bạn có thể trưởng thành và học hỏi từ tình huống đó sẽ cao hơn.

Một điều khác bạn cần chú tâm đến là “nhà phê bình” bên trong bạn. Sự tự chỉ trích có thể đánh gục ý chí và thường lặp đi lặp lại trong tâm trí chúng ta. Nhưng sự tỉnh thức làm cho bạn nhận thức được sự thiếu sót của bạn mà không phán xét bản thân. Kết quả là bạn sẽ nhận diện được những điều bạn cần cải thiện là gì mà không bị áp lực phải trở thành một siêu nhân.

  • Sự không hoàn hảo – Imperfection

Một khi bạn có thể chấp nhận rằng kỳ vọng vào sự hoàn hảo là phi thực tế thì bạn sẽ cảm thấy như có một gánh nặng khổng lồ vừa được nhấc khỏi đôi vai mình. Nó cũng giúp bạn nhận ra những trải nghiệm của bạn là bình thường và cũng giống như bao người khác và bạn không nên cảm thấy tồi tệ về điều đó. Việc công nhận những điều không hoàn hảo của bạn cũng giúp bạn cảm thấy kết nối hơn với người khác vì bạn nhận ra tất cả mọi người đều trải qua những gian khổ và khó khăn.

Hãy nhớ rằng tự thương là đối xử tử tế với chính bạn và nhận ra rằng con người đều không hoàn hảo, kể cả bạn. Nó cũng cần bạn ghi nhận rằng không hoàn hảo vẫn rất ổn. Những khiếm khuyết và trở ngại của bạn nên giúp bạn hiểu về bản thân hơn chứ không phải làm bạn căng thẳng hơn hoặc cảm thấy tồi tệ về việc bạn là ai.

Lợi ích của tự thương

Nhìn chung, tự thương bao gồm công nhận sự khác biệt giữa một sự lựa chọn tồi và trở thành một con người tồi. Khi bạn thực hành tự thương, bạn hiểu rằng việc có một quyết định tồi không tự động làm bạn trở thành một người không tốt. Thay vào đó, bạn công nhận giá trị và sự xứng đáng của bạn một cách vô điều kiện. Những kết quả nhất quán từ nghiên cứu trên thực tế cho thấy một sự liên kết tích cực giữa tự thương và tình trạng sức khỏe nói chung. Ngoài ra, tự thương còn tạo nên ý thức về giá trị bản thân nhưng không phải theo hướng tự mãn mà đôi khi sự tự tin mang lại.

Thêm vào đó, những người thực hành tự thương còn có nhiều kết nối xã hội hơn, trí thông minh cảm xúc cao hơn và sự hài lòng với cuộc sống cao hơn. Họ cũng chu đáo, hay hỗ trợ người khác và biết cảm thông hơn.

Nghiên cứu cũng cho rằng những người có tự thương có ít lo âu, phiền muộn và nỗi sợ thất bại hơn. Tự thương có thể trở thành một động lực thúc đẩy mọi người cải thiện những lỗi lầm, thất bại hoặc thiếu sót của họ vì họ nhìn chúng một cách khách quan hơn.

Tóm lại

Khi nói về tự thương, điều đầu tiên bạn cần hướng đến là tiếng nói trong tâm trí liên tục chỉ trích bạn. Tiếng nói đó đôi khi trở nên rất khắc nghiệt. Ví dụ bạn có thể chì chiết bản thân vì những sai lầm rất nhỏ. Để trắc ẩn với bản thân hơn, bạn cần nhận diện giọng nói đó và điều chỉnh nó khi nó đi sai hướng. Điều đó không có nghĩa là bạn tự nói với chính mình bạn tuyệt vời như thế nào. Thay vào đó, bạn hãy trò chuyện với bản thân một cách tử tế và không phán xét – là cách mà bạn dùng để động viên người bạn yêu thương. Và khi bạn làm như thế, việc quản lý cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn.

———————

Đang chờ kiểm duyệt

>> Tác giả:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *