Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là gì?

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi hay còn gọi là chứng ám ảnh sợ hãi là một dạng bệnh của rối loạn lo âu khá phổ biến hiện nay. Căn bệnh này được đặc trưng bởi sự sợ hãi kéo dài dai dẳng đối với một sự việc, đối tượng, tình huống nào đó khiến cho người bệnh luôn muốn tìm cách tránh né. Tuy nhiên, những nỗi sợ này lại không mang tính chất nguy hiểm trong thực tế, đôi khi nó còn trở nên rất vô lý.

Đặc biệt là khi người bệnh không thể hoàn toàn tránh né được những sự việc gây sợ hãi sẽ khiến họ phải chịu đựng trong thời gian dài với sự căng thẳng cực độ, điều này gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời làm suy giảm chức năng sống của họ. Lúc này, người bệnh sẽ có xu hướng muốn xây dựng cho mình một khu vực an toàn để thoải mái thực hiện những hành vi mà bản thân cho là an toàn.

Nếu các triệu chứng của bệnh không được kịp thời phát hiện và áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động bình thường của người bệnh, sức khỏe cũng dần bị suy kiệt, khả năng chuyển biến thành căn bệnh trầm cảm cũng rất cao, một số số trường hợp còn có thể dẫn đến hành vi tự sát. Sau đây là một số hội chứng ám ảnh sợ hãi thường gặp nhất hiện nay:

  • Sợ bóng tối
  • Sợ thang máy
  • Sợ độ cao
  • Sợ nơi đông người
  • Sợ không gian kín
  • Sợ những vật nhọn
  • Sợ máu
  • Sợ người lạ

Nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi

Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi hiện vẫn chưa được chứng minh cụ thể. Thế nhưng dựa vào kết quả một số nghiên cứu và thông tin thống kê được từ người bệnh thì chứng sợ hãi này có thể khởi phát bởi những yếu tố sau đây:

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi

1. Do di truyền

Trong một số nghiên cứu chuyên khoa được thực hiện tại Mỹ nhận thấy rằng, hầu hết các bệnh về rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, ám ảnh sợ hãi đều có liên quan đến yếu tố ADN. Thực tế nhận thấy rằng, những đối tượng được sinh ra trong gia đình có người thân như ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột từng mắc phải chứng rối loạn lo âu hay các bệnh tâm thần có liên quan sẽ có nguy cơ gặp phải chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi cao hơn so với người bình thường.

Các chuyên gia cũng đã tiến hành nghiên cứu dựa trên 2 trẻ sinh đôi có mẹ từng bị rối loạn lo âu. Kết quả nhận thấy cả 2 trẻ này đều có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe tâm lý, cụ thể là trẻ có cảm giác lo lắng, sợ hãi nhiều hơn so với những trẻ cùng trang lứa. Vì thế mà di truyền cũng được xem là một trong các yếu tố có khả năng gây ra các chứng rối loạn tâm thần, trong đó có rối loạn ám ảnh sợ hãi.

2. Ảnh hưởng từ những sang chấn tâm lý

Nếu trong quá khứ, bạn đã từng chứng kiến và trải qua những tình huống gây ám ảnh, bị tổn thương tâm lý nặng nề thì tương lai bạn sẽ có khả năng rất cao rơi vào tình trạng rối loạn lo âu sợ hãi. Nếu các sự việc hoặc những tình huống ám ảnh cũ bắt đầu tái hiện lại sẽ làm cho bạn cảm thấy lo lắng, hoảng sợ tột độ. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện kèm theo các triệu chứng như tay chân run rẩy, tim đập nhanh, dễ kích động, ra nhiều mồ hôi,…

Một số ám ảnh thuở nhỏ có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trong tương lai như lúc nhỏ từng bị nhốt trong phòng kín, từng bị động vật cắn, từng bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, từng bị kích ứng thuốc,….

3. Sự rối loạn cơ chế sinh học diễn ra trong cơ thể

Những triệu chứng lo lắng, sợ hãi quá mức của chứng ám ảnh sợ hãi có thể khởi phát từ tình trạng rối loạn cơ chế sinh học diễn ra bên trong cơ thể con người. Các chuyên gia cho biết rằng, nếu cơ thể  và não bộ bị thiếu hụt các hormone như serotonin và norepinephrine trong sẽ làm xuất hiện các phản ứng như bất an, lo lắng, bồn chồn, lo sợ,…Lúc này các hormone tạo sự vui vẻ, hạnh phúc bị mất dần sẽ làm gia tăng cảm giác hoang mang, hoảng loạn ở con người, từ đó khởi phát các triệu chứng rối loạn tâm lý.

4. Ảnh hưởng từ tâm lý, xã hội

Những sự kiện như ly hôn, mất người thân, thất nghiệp, mất tài sản, bị lạm dụng tình dục, chia tay người yêu, bị khủng bố, tấn công,…sẽ khiến cho con người trở nên lo lắng, hoảng sợ và bất an. Tình trạng này nếu kéo dài và không được giải quyết kịp thời sẽ gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tâm lý, từ đó có thể dẫn đến các bệnh rối loạn tâm thần nguy hiểm, trong đó có chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi.

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi

Theo nhận định của các chuyên gia thì chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi có thể khởi phát ở nhiều đối tượng khác nhau, thế nhưng cũng có một số đối tượng sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn so với bình thường. Cụ thể như sau:

  • Tuổi tác: Những người trẻ tuổi thường sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Các triệu chứng của bệnh thường sẽ khởi phát từ khi 10 tuổi và có những biểu hiện rõ rệt trước năm 35 tuổi.
  • Giới tính: Cũng giống như các bệnh rối loạn tâm thần khác, tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới sẽ cao hơn so với nam giới.
  • Tính cách cá nhân: Chứng ám ảnh sợ hãi này sẽ dễ xuất hiện ở những đối tượng có tính cách bi quan, nhút nhát, rụt rè, quá nhạy cảm.
  • Tiền sử gia đình: Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao nếu trong gia đình có người thân đang hoặc có tiền sử từng mắc phải chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi hoặc những bệnh có liên quan.
  • Môi trường sống: Những đối tượng được sinh ra và lớn lên trong môi trường sống không lành mạnh, thường xuyên phải chịu những áp lực, căng thẳng về mặt tinh thần sẽ có khả năng mắc bệnh hơn bình thường.

Biểu hiện đặc trưng của chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi

Biểu hiện đặc trưng nhất của chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi đó chính là sự lo lắng, hoảng sợ đối với các sự việc từng gây ám ảnh. Để có thể nhận biết cụ thể được căn bệnh này, bạn cũng cần xem xét qua những triệu chứng sau đây:

  • Sau một cơn lo âu, người bệnh sẽ xuất hiện hàng loạt các triệu chứng về hành vi và tâm lý như căng thẳng, lo lắng, hoảng sợ, bồn chồn, run sợ,…Người bệnh luôn cảm thấy sợ hãi quá mức đối với những tình huống, tác nhân gây sợ hãi. Điều này làm cho họ có xu hướng muốn né tránh và lẫn trốn khỏi những tình huống gây ám ảnh.
  • Khi bắt buộc phải đối diện với những sự việc, hiện tượng gây sợ hãi, họ đều cảm thấy hoang mang, lo sợ và bất an. Hoặc đơn giản là chỉ cần nghĩ đến những việc đó họ cũng cảm thấy sợ hãi tột độ. Lúc này họ sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng về cơ thể như chóng mặt, ra nhiều mồ hôi, tay chân run rẩy, tức cổ họng, khóc lóc, choáng váng,…
  • Khi nỗi sợ tăng cao và vượt quá mức giới hạn, người bệnh có thể trở nên hoảng loạn, kích động thái quá và có thể gây ra nhiều hành vi làm tổn thương bản thân hoặc những người xung quanh.

Cách điều trị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi

Trước khi đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho mỗi bệnh nhân, các bác sĩ phải tiến hành thăm khám và chẩn đoán cụ thể tình trạng bệnh. Để đưa ra được kết luận đúng nhất, các chuyên gia sẽ tìm hiểu và khai thác đầy đủ các thông tin bệnh sử, đặt ra một số câu hỏi để đánh giá về mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Do hiện nay vẫn chưa thể áp dụng các loại xét nghiệm chuyên khoa để chẩn đoán về bệnh lý này nên các bác sĩ chỉ có thể đánh giá qua việc thăm khám lâm sàng.

Sau khi đã đưa ra được kết quả chẩn đoán cuối cùng và nắm được rõ tình trạng bệnh lý của mỗi bệnh nhân thì các bác sĩ sức khỏe tâm thần sẽ cân nhắc lựa chọn những biện pháp điều trị phù hợp để giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh tốt nhất. Dưới đây là một số phương pháp thường được áp dụng cho các bệnh nhân bị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi.

1. Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý là phương pháp có thể mang đến hiệu quả lâu dài đối với người bệnh rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Thông thường, phương pháp này sẽ được áp dụng đồng thời với biện pháp sử dụng thuốc để gia tăng hiệu quả cho quá trình điều trị. Với biện pháp này, các chuyên gia tâm lý chủ yếu sẽ sử dụng ngôn ngữ giao tiếp để tìm hiểu và khai thác suy nghĩ, cảm xúc của người bệnh. Nhờ đó có thể tạo ra được sự tương tác vừa đủ để giúp bệnh nhân điều chỉnh tốt cảm xúc, suy nghĩ, hành vi sai lệch của bản thân.Với phương pháp này, những bệnh nhân bị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi sẽ dần giảm thiểu được những nỗi sợ của mình, đồng thời có thể đối diện với những tình huống, sự việc gây ám ảnh để dần thoát khỏi tình trạng căng thẳng. Bên cạnh đó, các chuyên gia tâm lý còn giúp người bệnh trang bị được thêm những kiến thức cần thiết cho việc quản lý và kiểm soát cảm xúc của bản thân, hạn chế tối đa tình trạng tái phát sau điều trị.
Bên cạnh việc trị liệu theo từng cá nhân, người bệnh cũng có thể được khuyến khích tham gia vào các lớp trị liệu gia đình hoặc nhóm để gia tăng mức độ hiệu quả của phương pháp. Hiện nay, tâm lý trị liệu được đánh giá là phương pháp hỗ trợ cải thiện sức khỏe tinh thần vừa an toàn vừa mang lại hiệu quả vượt trội. Tuy nhiên, để có thể cải thiện bệnh thông qua liệu pháp này bạn cũng cần lựa chọn được cơ sở chuyên môn và uy tín.

2. Hỗ trợ cải thiện tại nhà

Bên cạnh việc áp dụng phương pháp trị liệu tâm lý thì người bệnh rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi cũng cần xây dựng một lối sống lành mạnh và tích cực tại nhà. Việc có được một thói quen sinh hoạt tốt sẽ giúp cơ thể gia tăng sức đề kháng, tinh thần được ổn định và cân bằng hơn.

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi
  • Xây dựng chế độ ăn uống với đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Mỗi ngày người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi và bổ sung các thực phẩm giàu khoáng chất, vitamin tốt cho não bộ. Đồng thời cần hạn chế các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, những thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn,….
  • Thường xuyên vận động và tập thể dục để nâng cao sức đề kháng. Bên cạnh đó, việc tập luyện thể thao mỗi ngày còn giúp gia tăng lượng hormone tạo ra cảm giác hạnh phúc, vui vẻ. Nhờ đó mà người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, hạn chế bớt tình trạng căng thẳng, lo lắng.
  • Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày và nên tập thói quen ngủ trước 23 giờ. Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Vì thế, việc có thể đảm bảo được chất lượng giấc ngủ sẽ góp phần giúp cho bạn có được một sức khỏe tốt, đẩy lùi các triệu chứng căng thẳng, mệt mỏi mà bệnh rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi gây ra.
  • Áp dụng các biện pháp thư giãn như yoga, ngồi thiền, đọc sách, ngâm chân với nước ấm, massage, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu,…để giúp tinh thần thoải mái và dễ chịu hơn. Mỗi khi đối diện với những sự kiện gây sợ hãi, bạn nên hít thở thật sâu và đều để giúp ổn định tâm trạng tốt hơn.
  • Tuyệt đối không được sử dụng rượu bia, hút thuốc hoặc các chất gây nghiện trong suốt quá quá trình điều trị bệnh.

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là một trong các dạng rối loạn lo âu phổ biến hiện nay. Nếu không được sớm phát hiện và áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp thì người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, sinh hoạt đời sống, thậm chí có thể dẫn đến hành vi tự sát. Vì thế, ngay khi nhận thấy các biểu hiện của bệnh, bạn cần tiến hành thăm khám và chẩn đoán cụ thể để tìm ra được phác đồ điều trị thích hợp nhất.


>> Nguồn: http://soyte.quangnam.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *