Tại sao giao tiếp bằng mắt lại khó đến vậy?

Để có được sự đồng điệu với người khác, chia sẻ cảm xúc, thể hiện sự chú ý, hình thành sự gắn kết… thật dễ dàng đối với những người tự tin nhưng mặt khác những việc này không hề đơn giản với nhiều người – đặc biệt là đối với nam giới.

(Ảnh minh họa)

Trong khi người khác muốn nhìn vào mắt ta để họ có thể nắm bắt suy nghĩ và cảm xúc của ta, về phần mình, việc thể hiện những suy nghĩ trong đầu có thể khiến ta cảm thấy dễ tổn thương. Ta tránh giao tiếp bằng mắt khi ta không muốn người khác nhìn ta kỹ hơn và biết thêm về con người ta. Bản tính dè dặt này có thể hình thành từ nhiều nguyên nhân:

 1. Che giấu sự giả dối

Nếu cố tình giấu người khác sự thật, bạn có thể ngại nhìn vào mắt họ vì bạn sợ rằng đôi mắt bạn sẽ tiết lộ sự thật, và vì việc tạo sự gắn kết thân mật trong khi biết mình đang cố tình lừa dối người khác khiến bạn cảm thấy thật hổ thẹn. Đó là lý do tại sao mọi người sẽ thỉnh thoảng, dù không thường xuyên, tránh ánh nhìn của bạn khi họ đang nói dối bạn, tại sao mọi người nói những câu như: “Nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói này!” và tại sao người giao tiếp bằng mắt liên tục được xem là đáng tin cậy hơn.

2. Che giấu cảm xúc

Có những lúc bạn không phải cố che giấu một lời nói dối, mà chỉ đơn giản là muốn che đậy cảm xúc thật với người khác, chẳng hạn như khi bạn không nghĩ là phản ứng của mình trước việc đó sẽ được đón nhận. Tức giận, sợ hãi và ngạc nhiên là những cảm xúc thể hiện chủ yếu qua đôi mắt và là những cảm xúc khó che giấu nhất, và đó cũng là những cảm xúc ta thường muốn che giấu nhất.

3. Bất an

Cuối cùng, một trong những lý do phổ biến cho việc mọi người tránh giao tiếp bằng mắt là do cảm giác bất an. Giao tiếp bằng mắt thúc đẩy nhiều sự tương tác hơn, và cảm nhận của bạn về bản thân có thể khiến bạn không muốn người khác nhìn mình kỹ hơn.

Những người có địa vị cao thường giao tiếp bằng mắt nhiều hơn khi nói chuyện với người khác, trong khi những người cảm thấy mình thấp kém sẽ ít giao tiếp bằng mắt và là người đầu tiên nhìn đi chỗ khác. Nếu một người đàn ông không thể nhìn vào mắt người khác trong lúc nói chuyện, thường là vì anh ta cảm thấy mình không ngang hàng với đối phương và không tin mình xứng tầm với người khác.

Nguyên nhân của sự thiếu tự tin này có thể là do cảm giác bất an về ngoại hình hoặc tâm trạng. Một nghiên cứu mà trong đó những sinh viên được cho xem các gương mặt nhìn vào họ với những ánh nhìn khác nhau – trực diện hoặc không trực diện. Sau đó, những sinh viên này đánh giá gương mặt mà họ cảm thấy dễ tiếp cận hoặc sẽ né tránh. Tiếp đến, họ thực hiện một khảo sát đánh gia sức khỏe tinh thần của họ. Những sinh viên đánh giá gương mặt có ánh nhìn trực diện là dễ tiếp cận thì ổn định về mặt cảm xúc hơn những người né tránh nó. Một nghiên cứu khác đặc biệt cho thấy người mắc chứng trầm cảm – vốn có thể gây hại đến sự tự tin của họ – ít giao tiếp bằng mắt hơn với mọi người.

Mọi người sẽ tránh giao tiếp bằng mắt khi nói lời mỉa mai, và nhìn trực diện khi đưa ra nhận xét chân thành, vì lời mỉa mai thường được nói bởi những người quá bất an nên không thể trực tiếp thể hiện ý kiến của mình.

Cách tốt nhất để cải thiện giao tiếp bằng mắt

Mẫu số chung của cả 3 lý do trên cho việc tránh giao tiếp bằng mắt là cảm giác sợ bị từ chối. Nếu đôi mắt là cửa sổ tâm hồn thì giao tiếp bằng mắt đóng vai trò kiểm soát sự thân mật. Càng giao tiếp bằng mắt nhiều, bạn càng thể hiện được mình hơn. Vì thế, càng tự tin với những gì mọi người sẽ khám phá ra khi họ nhìn sâu hơn vào đôi mắt và trái tim bạn, bạn càng thoải mái khi nhìn vào mắt họ. Ngược lại, càng xấu hổ về điều người khác sẽ khám phá ra khi bạn cởi mở với họ, bạn càng nhìn sang hướng khác.

(Giao tiếp bằng mắt- ảnh minh họa)

Dù ánh mắt của bạn có thay đổi thế nào thì cũng không quan trọng bằng việc bạn phải xử lý những vấn đề nội tại. Bạn có thể ép bản thân giao tiếp bằng mắt ngay cả khi bạn không muốn, nhưng giao tiếp bằng mắt tốt không nằm ở số lần bạn giao tiếp, mà là ở chất lượng của những lần đó. Mặc dù quan niệm “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” không đúng hoàn toàn, nhưng tôi nghĩ rằng có điều gì đó rất sâu sắc trong cách tính cách của ta thể hiện qua đôi mắt. Người có đôi mắt tử tế hầu như luôn là người tử tế. Người có đôi mắt long lanh hầu như luôn sở hữu sức sống đáng ganh tị. Và những người có đôi mắt vô hồn thường thì trong lòng họ cũng đã héo hon.

Do vậy, nền tảng của khả năng giao tiếp tốt bằng mắt thật sự xuất phát từ bên trong (thay đổi ngoại hình bên ngoài thông qua việc giảm cân hay cách ăn mặc cũng giúp ích, nhưng ngay cả những thay đổi này cũng cần có một sự thay đổi nào đó bên trong). Càng sống chính trực, bạn càng dễ nhìn vào mắt những người mà bạn gặp gỡ, rồi bạn sẽ giao tiếp bằng sự tự tin và một nụ cười thật sự.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *