Tại sao nói chuyện với bản thân ở ngôi thứ 3 sẽ giúp bạn thông thái hơn
Chúng ta ghi nhận Socrates vì sự sáng suốt rằng ‘Cuộc đời không suy xét là cuộc đời không đáng sống’ và ‘hiểu bản thân’ là con đường dẫn đến sự khôn ngoan đích thực. Nhưng liệu có một phương pháp đúng và phương pháp sai để ta bắt tay vào việc nhìn nhận bản thân không?
Nghiền ngẫm–quá trình xoay quanh những băn khoăn trong đầu óc bạn–không phải là câu trả lời. Nó có thể khiến bạn bị mắc kẹt trong lối mòn của những suy nghĩ của mình và chìm đắm vào những cảm xúc có thể khiến bạn lầm đường lạc lối. Chắc chắn, nghiên cứu đã chỉ ra những ai có khuynh hướng nghiền ngẫm thì cũng thường bị suy giảm khả năng ra quyết định khi gặp áp lực, và nguy cơ bị trầm cảm tăng lên đáng kể.
Thay vào đó, nghiên cứu khoa học khuyên bạn nên áp dụng một phương pháp hùng biện thời cổ đại được ưa thích bởi những người như Julius Caesar và được gọi là ‘illeism’– tức là nói về bản thân ở ngôi thứ ba (thuật ngữ này được đặt ra vào năm 1809 bởi nhà thơ Samuel Taylor Coleridge từ tiếng Latinh ille nghĩa là ‘anh ấy, người ấy’). Thí dụ, nếu tôi đang xem xét lại cuộc tranh luận của tôi với một người bạn, tôi có thể bắt đầu bằng cách thầm nghĩ: ‘David (ND: tác giả bài này) cảm thấy thất vọng vì…’ Ý tưởng ở đây là sự thay đổi nhỏ về góc nhìn này có thể xua đi sương mù cảm xúc của bạn, cho phép bạn nhìn thấu những thành kiến của mình.
Một số lượng lớn nghiên cứu đã cho thấy kiểu suy nghĩ theo ngôi thứ ba có thể tạm thời cải thiện việc ra quyết định. Một bài báo khoa học dưới dạng tiền bản in ở PsyArxiv phát hiện thấy nó cũng có thể mang lại những lợi ích lâu dài cho tư duy và điều chỉnh cảm xúc. Các nhà nghiên cứu nói rằng đây là ‘bằng chứng đầu tiên cho thấy những quá trình nhận thức và xúc cảm liên quan đến trí tuệ có thể được huấn luyện trong cuộc sống hằng ngày, và cách thực hiện’.
Các phát hiện này là đứa con tinh thần của nhà tâm lý học Igor Grossmann tại Đại học Waterloo ở Canada, người có công trình nghiên cứu về tâm lý học trí tuệ là một trong những nguồn cảm hứng cho cuốn sách gần đây của tôi về trí thông minh và làm thế nào chúng ta có thể đưa ra các quyết định khôn ngoan hơn.
Mục đích của Grossmann là tạo dựng một nền tảng thực nghiệm vững chắc cho nghiên cứu về trí tuệ, từ lâu bị coi là quá mơ hồ cho nghiên cứu khoa học. Ở một trong các thực nghiệm trước đây của ông, ông xác minh rằng có thể đo lường được lý luận khôn ngoan (wise reasoning) và cũng như với IQ, điểm số của con người cũng rất quan trọng. Ông làm điều này bằng cách yêu cầu những người tham gia thảo luận thật sôi nổi về một nan đề trong chính trị hay nan đề cá nhân, mà sau đó ông tính điểm các yếu tố khác nhau của tư duy từ lâu được xem là quan trọng đối với trí tuệ, bao gồm: Sự khiêm nhường về trí tuệ; nhìn nhận vấn đề từ góc độ của người khác; nhận ra sự không chắc chắn; và có khả năng đạt đến một thỏa hiệp. Grossmann phát hiện thấy những điểm số về lý luận khôn ngoan này tốt hơn nhiều so với các bài kiểm tra trí thông minh trong việc dự đoán tình trạng sức khỏe tinh thần, và sự thỏa mãn trong mối quan hệ–ủng hộ quan điểm cho rằng sự khôn ngoan, khi được xác định bởi những phẩm chất này, tạo thành một cấu trúc độc đáo quyết định cách chúng ta xoay sở trước những thử thách của cuộc đời.
Hợp tác với Ethan Kross tại Đại học Michigan ở Hoa Kỳ, Grossmann cũng tìm cách để cải thiện những điểm số đó–với một số thí nghiệm ấn tượng chứng minh sức mạnh của việc nói về bản thân ở ngôi thứ ba. Trong một loạt thí nghiệm ở phòng thí nghiệm, họ phát hiện ra con người có xu hướng trở nên khiêm tốn hơn, và sẵn sàng xem xét các quan điểm khác, khi họ được yêu cầu mô tả vấn đề ở ngôi thứ ba.
Thí dụ, hãy tưởng tượng bạn đang tranh cãi với nửa kia của mình. Áp dụng quan điểm ngôi thứ ba có thể giúp bạn nhận ra góc nhìn của họ hay chấp nhận những hạn chế trong hiểu biết của bạn về vấn đề trước mắt. Hoặc hãy tưởng tượng đến chuyện bạn đang tính nhảy việc. Nhìn nhận vấn đề từ một khoảng cách xa có thể giúp bạn cân nhắc những lợi ích và nguy cơ của chuyển việc một cách khách quan hơn.
Tuy nhiên, nghiên cứu trước đó chỉ bao gồm những can thiệp trong ngắn hạn – nghĩa là còn chưa rõ liệu lý luận khôn ngoan có trở thành một thói quen dài lâu bằng cách luyện tập nói về bản thân ở ngôi thứ ba thường xuyên hay không.
Để tìm hiểu, nhóm nghiên cứu mới nhất của Grossmann đã yêu cầu gần 300 người tham gia mô tả một tình huống xã hội đầy thử thách, trong khi đó hai nhà tâm lý học độc lập tính điểm cho họ theo nhiều phương diện khác nhau của lý luận khôn ngoan (sự khiêm nhường về trí tuệ, v.v.). Sau đó người tham gia phải giữ một cuốn nhật ký trong bốn tuần. Mỗi ngày họ phải mô tả một tình huống mà họ vừa trải qua, chẳng hạn như một lần bất đồng quan điểm với đồng nghiệp hay một số tin xấu. Một nửa được gợi ý làm bài này ở ngôi thứ nhất, nửa còn lại được khuyến khích mô tả những thử thách của họ từ quan điểm của ngôi thứ ba. Vào cuối nghiên cứu, tất cả những người tham gia làm lại bài kiểm tra về lý luận khôn ngoan.
Các kết quả của Grossmann đã chính xác như những gì ông hy vọng. Trong khi những người tham gia bị kiểm soát cho thấy không có thay đổi tổng thể nào trong điểm số về lý luận khôn ngoan của họ, thì những ai dùng phương pháp nói về bản thân ở ngôi thứ ba cho thấy sự cải thiện về sự khiêm nhường trí tuệ, cái nhìn đa chiều và khả năng tìm được một thỏa hiệp.
Một giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu cho thấy kiểu trí tuệ mới được phát hiện này cũng chuyển thành khả năng điều chỉnh cảm xúc tốt hơn và vững vàng hơn. Sau khi họ hoàn thành can thiệp nhật ký trong 4 tuần, những người tham gia phải dự đoán những cảm xúc tin tưởng, thất vọng hay tức giận của họ về một người bạn hay một thành viên thân thiết trong gia đình có thể thay đổi như thế nào trong tháng tới–rồi sau khi hết tháng đó, họ báo cáo lại mọi chuyện thực sự đã diễn ra như thế nào.
Phù hợp với nghiên cứu khác về ‘dự đoán cảm xúc’, những người trong điều kiện kiểm soát đã đánh giá quá cao các cảm xúc tích cực của họ và đánh giá thấp cường độ của cảm xúc tiêu cực của họ trong tháng vừa qua. Ngược lại, những người giữ một cuốn nhật ký ở ngôi thứ ba thì lại chính xác hơn. Một xem xét kỹ hơn tiết lộ rằng, nhìn chung thì các cảm xúc tiêu cực của họ đã bớt đi rất nhiều, và đó là lý do tại sao những dự đoán lạc quan của họ lại chính xác hơn. Dường như trí tuệ lý luận đã cho phép họ tìm ra những cách đối phó với vấn đề tốt hơn.
Tôi thấy những hiệu ứng về cảm xúc và mối quan hệ này vô cùng ngoạn mục, hãy xem xét thực tế rằng phương pháp nói về bản thân ở ngôi thứ ba thường bị cho là trò trẻ con. Hãy nghĩ đến Elmo trong chương trình truyền hình dành cho trẻ em Sesame Street, hay anh chàng cau có Jimmy trong bộ phim Seinfeld – khó có thể là hình mẫu của lối tư duy khôn ngoan. Thay vào đó, nó có thể được coi là dấu hiệu của một nhân cách ái kỷ–trái ngược với trí tuệ cá nhân. Suy cho cùng, Coleridge tin rằng đó là một mưu mẹo để che đậy bản ngã của một người: hãy nghĩ đến những kẻ chỉ trích tổng thống Mĩ, những người chỉ ra Donald Trump thường nói về bản thân ông ấy ở ngôi thứ ba. Rõ ràng là, các chính trị gia có thể dùng phương pháp nói về bản thân ở ngôi thứ ba cho các mục đích thuyết phục thuần túy, nhưng khi được áp dụng để phản ánh chân thật, nó có vẻ là một công cụ quyền năng cho lý luận khôn ngoan hơn.
Như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, sẽ rất thú vị khi xem xét liệu những lợi ích có áp dụng cho những hình thức ra quyết định khác hay không bên cạnh những nan đề cá nhân đã được kiểm tra trong nghiên cứu của Grossmann. Ta có lý do để tin rằng chúng có khả năng. Thí dụ, Các thí nghiệm trước đây đã chứng minh việc nghiền ngẫm dẫn đến những lựa chọn tồi tệ hơn trong khi chơi bài xì (đó là lý do tại sao những tay chơi chuyên nghiệp cố gắng đạt được một thái độ lạnh lùng, khách quan), và khả năng nhận diện và điều chỉnh cảm xúc tốt hơn đó có thể nâng cao hiệu quả trên thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, nghiên cứu của Grossmann tiếp tục chứng minh rằng chủ đề trí tuệ vẫn xứng đáng để nghiên cứu thực nghiệm nghiêm ngặt–với những lợi ích tiềm năng cho tất cả chúng ta. Rất khó để tăng trí thông minh tổng thể thông qua rèn luyện bộ não, nhưng các kết quả đó cho thấy lý luận khôn ngoan, và việc ra quyết định tốt hơn nằm trong khả năng của tất cả mọi người.
———
>>Tác giả: David Robson- nhà báo khoa học chuyên viết về những điểm cực đoan của bộ não, cơ thể và hành vi con người.
>>Nguồn: https://aeon.co/ideas/why-speaking-to-yourself-in-the-third-person-makes-you-wiser