Văn hóa tập thể qua góc nhìn tâm lý học văn hóa

Văn hóa tập thể qua góc nhìn tâm lý học văn hóa

Văn hóa tập thể nhấn mạnh nhu cầu và mục tiêu của cả nhóm hơn là những nhu cầu và mong muốn của từng cá nhân. Trong các nền văn hóa này, mối quan hệ với thành viên khác của nhóm và sự liên kết giữa mọi người đóng vai trò quan trọng quyết định bản dạng của mỗi cá nhân. Các nền văn hóa Châu Á, Trung-Nam Mỹ, và Châu Phi thường mang tính tập thể.

Một số đặc tính của nền văn hóa tập thể. 

– Các quy tắc xã hội tập trung vào thúc đẩy thái độ sống vì người khác và đặt nhu cầu cộng đồng lên cao hơn nhu cầu cá nhân.

– Làm việc theo nhóm và hỗ trợ người khác là tối quan trọng.

– Khuyến khích mọi người làm điều tốt đẹp nhất cho xã hội.

– Gia đình và cộng đồng có vai trò trung tâm.

Trong những nền văn hóa tập thể, con người ta được xem là “tốt” nếu họ hào phóng, hay giúp đỡ người khác, biết trông cậy vào nhau và chú ý đến những nhu cầu của người khác. Điều này trái ngược với các nền văn hóa cá nhân khi người ta thường đặt trọng tâm hơn vào những đặc tính cá nhân như sự quyết đoán và tính độc lập.

Một vài quốc gia được xem là có nền văn hóa tập thể là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Venezuela, Guatemala, Indonesia, Ecuador, Argentina, Brazil và Ấn Độ.

(Ảnh minh họa)

Sự khác biệt giữa nền văn hóa tập thể và Văn hóa cá nhân. 

Văn hóa tập thể thường trái ngược với văn hóa cá nhân. Khi chủ nghĩa tập thể nhấn mạnh sự quan trọng của cộng đồng thì chủ nghĩa cá nhân lại hướng nhiều hơn vào quyền và mối quan tâm của từng người. Sự thống nhất và vô vị kỷ là những đặc tính được coi trong ở các nền văn hóa tập thể; sự độc lập và bản dạng riêng của cá nhân lại được đề cao hơn ở nền văn hóa cá nhân.

Những khác biệt văn hóa này cực kỳ phổ biến và có thể ảnh hưởng lên nhiều khía cạnh trong vận hành chức năng xã hội. Cách con người ta mua sắm, ăn mặc, học tập và làm kinh doanh có thể đều bị tác động từ việc họ đến từ nền văn hóa cá nhân hay tập thể. Ví dụ, công nhân sống ở một nền văn hóa tập thể có thể sẽ hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình cho lợi ích lớn lao hơn của nhóm. Những người đến từ nền văn hóa cá nhân, mặt khác, lại cảm thấy cuộc sống và mục tiêu của chính mình mới là cái cần đặt nặng.

Văn hóa tập thể ảnh hưởng như thế nào lên hành vi?

Các nhà tâm lý học văn hóa nghiên cứu sự ảnh hưởng của những khác biệt văn hóa lên nhiều khía cạnh khác nhau của hành vi. Các nghiên cứu cũng cho thấy văn hóa ảnh hưởng lên cách hành xử cũng như cách con người ta tự quan niệm về bản thân. Những người đến từ nền văn hóa cá nhân có thể tự mô tả mình dựa theo những đặc trưng tính cách và đặc tính cá nhân, như kiểu, “Tôi là một người thông minh, hài hước, tử tế và yêu thể thao.” Còn những người đến từ nền văn hóa tập thể sẽ nói về bản thân mình dựa trên những vai trò và mối quan hệ xã hội, như kiểu “Tôi là một đứa con, một người anh trai và một người bạn tốt.”

(Ảnh minh họa)

Nền văn hóa tập thể cũng có liên quan đến cái gọi là tính biến động mối quan hệ thấp, một thuật ngữ dùng để mô tả số cơ hội hình thành mối quan hệ mà một cá nhân có với người họ chọn lựa. Tính biến động mối quan hệ thấp nghĩa là những người đó có mối quan hệ ổn định, mạnh mẽ và dài lâu. Những mối quan hệ này thường được hình thành do bởi những yếu tố như gia đình và khu vực địa lý hơn là lựa chọn cá nhân. Trong một nền văn hóa tập thể, rất khó để xây dựng những mối quan hệ với những người mới, một phần vì nói chung là ta khó mà gặp được họ. Người lạ sẽ vẫn mãi là người lạ đối với những ai đến từ nền văn hóa tập thể so với những người đến từ nền văn hóa cá nhân.

Ngoài ra, duy trì sự hòa hợp trong các mối quan hệ với người khác là điều quan trọng bậc nhất trong một nền văn hóa tập thể. Điều này có thể là bởi những mối quan hệ này kéo dài quá lâu và cực kỳ khó thay đổi, đến mức mà việc không giữ được hòa khí chính là thể hiện sự bất hạnh cho tất cả mọi người trong mối quan hệ đó.

Sự khác biệt về văn hóa cũng ảnh hưởng lên động lực dám đứng lên để khác biệt hoặc ngồi lại để hòa hợp với nhóm. Trong một thí nghiệm, tham dự viên từ Nhật Bản và Mỹ được yêu cầu phải chọn lựa một cây bút. Hầu hết các cây bút đều cùng màu, chỉ có một vài cây là có màu khác nhau. Hầu hết các tham dự viên người Mỹ đều chọn những màu hiếm hơn. Tham dự viên Nhật Bản, mặt khác, lại chọn nhiều các cây đồng màu, dù cho họ có hơi thích các cây màu thiểu số. Một lý do khác giải thích cho hiện tượng này có thể là vì người Nhật đến từ một nền văn hóa tập thể nên họ cứ tự nhiên mà coi trọng sự hòa hợp đồng thuận với người khác thay cho những sở thích cá nhân và vì vậy họ chấp chấp nhận chọn những cây viết màu phổ biến để những lại những cây màu hiếm hơn cho những ai thực sự muốn.

——————-

>> Nguồn: www.verywellmind.com

>> Tham khảo:

                             – Kito M, Yuki M, Thomson R. Relational Mobility and Close Relationships: a Socioecological Approach to Explain Cross-Cultural Differences. Personal Relationships. March 2017;24(1):114-130. doi:10.1111/pere.12174.

                              – Yamagishi T, Hashimoto H, Schug J. Preferences Versus Strategies as Explanations for Culture-Specific Behavior. Psychological Science. 2008;19:579–584. doi:10.1111/j.1467-9280.2008.02126.x.

>> Dịch bởi: Hana Nguyễn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *