Con đường theo đuổi hạnh phúc: Lối sống khăc kỷ

Con đường theo đuổi hạnh phúc: Lối sống khăc kỷ

Vào tầm 300 năm trước công nguyên, ở Hy Lạp triết gia Zeno bắt đầu giảng dạy tại Athens (Painted Stoa) nên từ đó cái tên Stoicism ra đời. Những nhà học giả thời La Mã – Seneca, thầy giáo của Hoàng đế Nero, người cai trị cuối cùng của đế chế Julius – Claudius, Epictetus, một nô lệ hạ đẳng; Hoàng đế Marcus Aurelius người cuối cùng cai trị thời Ngũ Hiền Đế. Từ nhà sư phạm, nô lệ tới bậc đế vương – cùng theo đuổi một môn triết học nhằm tới sự hạnh phúc chân chính; ba người theo đuổi trường phái Khắc kỷ/ Stoicism và khiến trường phái triết học này nở rộ, được sao chép, giảng dạy tới thời hiện đại ngày nay. Lúc ban đầu, tuổi còn nhỏ, vả lạ đam mê hưởng thụ – tôi bị cái tên “Khắc kỷ” khiến bản thân khó mà dung nạp các luồng tư tưởng từ Stoicism nhưng giờ tôi nhận thấy rõ ràng đó là lỗi của ông phiên dịch vì khi đi vào nghiên cứu thì trung tâm của Stoicism vẫn hướng tới tư tưởng tự do, an lạc của tâm hồn, đâu đó gần gũi với những tư tưởng triết học của Phật gia

Gốc của mọi vật là Nội tâm

Chúng ta thường lầm tưởng là mình sông trong, cảm nhận và trải nghiệm cuộc sống một cách chân thực nhất. Nhưng các nhà hiền triết thì nghĩ ngược lại – chúng ta sống qua lăng kính của nội tâm mình, như một ô cửa sổ cũ nát mờ ảo nhìn thế giới từ bên trong ra. Khung kính đó càng trong suốt, sáng sủa thì cuộc sống chúng ta mới chân thực. Stoicism còn đi xa hơn nữa và nói rằng để có thể sở hữu một cuộc sống trọn vẹn, hạnh phúc thì nội tâm chúng ta không những phải trong sạch, mà còn phải kiên cường, hiệu quả, lý trí nhất.

Người Roman không coi trọng những giá trị mà xã hội Á đông chúng ta thường hay nhắc tới – sự tốt đẹp, lương thiện, yêu thương (mà tôi hay gọi là những giá trị mềm); không phải vì họ không nghĩ chúng tốt đẹp, cao thượng mà vì họ tin rằng để đạt tới những giá trị đó thì giá trị cứng/ giá trị gốc cần có là một lý trí sắc bén, một bộ não có khả năng tư duy mạch lạc. Từ đó ta mới đạt tới cuộc sống hài hòa với tự nhiên, thông qua một thái độ sống bình thản, thậm chí gần như vô cảm với những việc ngoại thân.

Kiểm soát suy nghĩ của bản thân

Vậy thứ nội tâm mà chúng ta hay nói tới khởi thủy từ đâu; những ý tưởng sinh ra từ nơi nào? Theo Epctetus, có 2 nguyên tắc cơ bản cần phải nhớ:

Nguyên tắc 1:

Có những việc thuộc phạm vi kiểm soát của chúng ta, và những việc hoàn toàn không thể kiểm soát.

Sự bất hạnh của chúng ta xuất phát từ ham muốn kiểm soát những gì ta không có khả năng kiểm soát.

Càng lớn lên, tôi càng thấy những gì ta có thể kiểm soát được quá nhỏ nhoi. Không có cô thì chợ vẫn đông, cuộc sống sẽ ném cho chúng ta những thử thách, một vài niềm vui nhỏ nhỏ, và có những lúc nó ném cho ta bất hạnh như một trò đùa. Chúng ta không thể kiểm soát việc mất đi một người thân, hay cách họ nghĩ về chúng ta, cách xã hội đánh giá, nói về ta; thậm chí tệ hại hơn, chúng ta còn chả cách nào kiểm soát tâm trí luôn rối bời, chạy theo bất cứ thứ gì coi là gấp gáp, của bản thân mình. Chúng ta không được lựa chọn sinh ra, không được chọn lúc ra đi, còn những thứ có thể kiểm soát ở giữa hai mốc này thì càng nhỏ nhoi. Nghe thật bi đát cho kiếp làm người phải không?

Nhưng ta có thể kiểm soát một thứ quan trọng nhất – đó là cách ta tư duy, suy nghĩ, và phát xét mọi việc xảy đến với mình.

Nguyên tắc 2:

Thực ra những gì khiến ta bất hạnh không phải là sự việc đơn lẻ, thay vào đó, nó là cách ta nhìn nhận, tư duy về mọi thứ. Khi ta phán xét về một sự kiện trong quá khứ, ta nhìn nó qua lăng kính của bản thân để ra quyết định yêu-ghét; vui-buồn. Nhưng không phải mọi thứ trên đời đều dễ dàng được phân loại nếp-tẻ như vậy; những gì ở giữa, mờ ảo như sợ hãi, lo lắng, bứt rứt, mệt mỏi, rối bời còn đáng sợ hơn vì ta không biết phân chúng vào đâu. Những cảm xúc này là kết quả của những suy đoán, nhận thức, đánh giá sai lầm của bản thân chúng ta về cuộc sống. Trong khi đó, những hiện vật xảy ra chỉ là trung tính mà thôi. Như nỗi bất hạnh của chúng ta có thể chỉ là một câu chuyện làm quà của những người khác, thậm chí có thể là niềm vui của người kế bên.

Tất cả bất hạnh do đầu ta nghĩ mà ra. Đây là một tin vui cho những người từ chối làm nạn nhân của cuộc sống, vì một phần nhỏ nhoi mà ta có thể làm chủ lại chính là nguồn cơn của mọi cảm xúc, suy nghĩ dù tiêu cực của bản thân.

Huấn luyện tâm trí mình

Nghe qua thì quả thật khó ai có thể hiểu được con đường huấn luyện tâm trí nó mệt mỏi, khó khăn tới nhường nào. Seneca, tượng đài của Stoicism đã từng bị lưu đày, giày vò và cuối cùng tới ngưỡng bị ép tự sát chính bởi học trò của mình là Hoàng đế Nero. Chúng ta không còn những nghịch cảnh như vậy ở thời hiện đại, nhưng thời hiện đại bắt con người phải sống vội vã hơn, gấp gáp hơn rất nhiều, với phương tiện giao tiếp phát triển, và nếp sống xã hội càng ngày càng khăng khít, sự tự do về thể xác có thể đạt được, chứ tự do về tâm lý khó có ai cảm thấy mình làm chủ được.

Các nhà học giả Stoicism phát triển ra hệ thống huấn luyện tâm trí của con người hàng ngày. Một biện pháp rất đơn giản là thống kê. Hãy bắt đầu bằng việc thống kê những gì xảy ra với bản thân mình – những lần mất kiểm soát mà nổi trận lôi đình, hay gây tổn thương cho người khác, thậm chí những điều nhỏ nhặt nhất mà khiến bản thân khó chịu; hãy ghi chép hết lại. Mỗi ngày, hãy đối măt với những trải nghiệm khó khăn đó và tự hứa ngày mai sẽ làm tốt hơn.

Aurelius đưa thêm một ý tưởng khác, là thay vì mỗi tối xem lại hành vi của bản thân, hằng sáng khi thức dậy hãy chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến. Hãy biết rằng mình sẽ có một ngày dài trước mắt, với bao điều khó chịu, mệt mỏi; và chúng ta sẽ bực, sẽ bức xúc, sẽ mệt mỏi; chúng ta sẽ thất vọng khi gặp phải những con người không cùng chí hướng, những người làm trái ý, những người có ác ý. Hãy chuẩn bị cho những điều đó, như một người lính sắp ra trận. Hãy nhớ rằng ta không cần phải hành xử giống họ, cũng như chịu đựng họ, và càng không cần phải tấn công họ như cách họ đang hành xử với ta. Nếu tốt hơn nữa, hãy nhận thức và tự nhủ rằng bản thân những người kia cũng không có ác ý với ta, không cố tình gây khổ đau cho ta. Họ cũng là nạn nhân của chính tâm trí họ, sự khổ sở của họ đầy quá đâm tràn ra xung quanh, và có thể sẽ bắn lên người bạn. Đừng hằn học, những cũng đừng để một vết ố khiến cả con người bạn bị vây hãm bởi sự tiêu cực.

Chấp nhận mọi thứ

Không phải là điều dễ dàng! Điều này khó khăn hơn tất cả các điểm trên. Vì chấp nhận nghe đã giống khổ đau, và chấp nhận mọi thứ dường như đã đạp đổ hết những gì mà cái tôi đang gào thét muốn khẳng định. Chúng ta phải bắt đầu từ việc ý thức cuộc sống của bản thân– cho dù trân quý thế nào với chúng ta, cũng chỉ là một hạt cát, hạt bụi trong cuộc sống lớn lao này. Trên trái đất này, ta chỉ là một cái chấm nhỏ xíu, một cái tên, một số chứng minh thư với ý nghĩa hạn hữu. Khi ta thật sự mở toang cánh cửa sổ nhìn cuộc sống, thì sẽ thấy so với cuộc sống bao la này thì ngôi nhà trú ngụ của tâm hồn bản thân thật sự quá nhỏ bé. Thế giới cũng chỉ là hạt cát trong vòng tuần hoàn của vũ trụ, nơi mà thời gian, không gian liên tục mở rộng, co bóp, và thậm chí lặp lại. Aurelius thường xuyên khuyên nhủ mọi người khi tu tập, hãy tập trung vào sự rộng lớn của vũ trụ, của thời gian để có được góc nhìn về một mảnh đời của mình nhỏ nhoi thế nào.

>> Nikki Nguyen <<

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *