Nhân cách và xu hướng tình dục
Sự hình thành nhân cách có vai trò của 3 yếu tố: giới sinh học, bản sắc giới, xu hướng tính dục. Bản thân giới sinh học bình thường và bất bình thường (các kiểu giới mập mờ) đã là nguồn gốc của nhiều dạng nhân cách.
Sự hình thành nhân cách có vai trò của 3 yếu tố: giới sinh học, bản sắc giới, xu hướng tính dục. Bản thân giới sinh học bình thường và bất bình thường (các kiểu giới mập mờ) đã là nguồn gốc của nhiều dạng nhân cách.
Rối loạn bản sắc giới (tức người có cơ thể bình thường kiểu nam hay nữ, kiểu gen XX hay XY nhưng lại cảm thấy mình thuộc giới đối lập, đôi khi đòi chuyển giới tính) và các xu hướng tính dục khác thường càng làm phong phú thêm tính đa dạng nhân cách trong cộng đồng.
Các xu hướng tình dục
Những người có xu hướng tính dục (XHTD) khác thường vẫn cảm nhận mình là nam hay nữ tức là không có rối loạn về bản sắc giới, nhưng có hấp dẫn bền vững về mặt tình cảm và tình dục với một người thuộc giới nào đó. Có 4 thể XHTD:
– XHTD dễ nhận thấy nhất, đông đảo nhất ở loài người là XHTD khác giới (hấp dẫn về mặt tình cảm và tình dục với người khác giới).
XHTD cùng giới (hấp dẫn với người cùng giới), không chỉ có ở nam giới (tiếng Anh gọi là gay) mà ở cả giới nữ (tiếng Anh gọi là lesbian). Chưa rõ tỷ lệ trong dân số nước ta.
– Xu hướng lưỡng tính dục (hấp dẫn với cả 2 giới); Cũng chưa rõ tỷ lệ trong dân số nước ta.
– Không có hấp tính dục với bất cứ giới nào (asexual) là một xu hướng thứ 4 chưa được nghiên cứu nhiều.
Không phải lúc nào XHTD cũng được biểu lộ ra để mọi người nhận thấy, nhiều khi nó được giấu kín. XHTD đã phát triển như thế nào ở một cá thể còn chưa được biết rõ lắm. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học chia sẽ quan điểm cho rằng XHTD đã hình thành từ rất sớm ở hầu hết mọi người ngay từ khi còn nhỏ do những tác động qua lại phức tạp của các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội.
Tình dục đồng giới
Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy rằng nhân cách người có hành vi tình dục đồng giới không có gì khác mọi người, ngoại trừ XHTD của họ. Những người này hoàn toàn khỏe mạnh, có năng lực thể chất như nhiều người khác và nhiều người có năng lực trí tuệ của nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ. Họ vẫn có những đam mê công việc, yêu quý người thân và cũng biết nuôi dạy con cái như những bậc cha mẹ tốt (nếu họ nhận con nuôi). Năm 1973, Hội tâm thần học Mỹ đã không để TDĐG vào danh sách các bệnh nhân về tình cảm và tinh thần. Năm 1975 Hội Tâm lý Mỹ cũng đã thông qua một nghị quyết ủng hộ chủ trương nói trên.
TDĐG không được xếp vào danh sách các bệnh tinh thần hay rối loạn tình cảm. Vì thế, các khoa học về sức khỏe tâm thần và tính dục đều chia sẻ quan điểm coi hành vi TDĐG là một xu hướng tính dục có tính chất cố định, không phải là sự lựa chọn của cá nhân, nó được hình thành ngay từ nhỏ do sự tác động qua lại của các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội, trước cả khi có trải nghiệm tình dục.
Có một số người đã thử thay đổi XHTD, từ đồng giới chuyển sang khác giới nhưng không thành công. Xu hướng TDĐG, tuy chỉ chiếm khoảng 5% số người đã trưởng thành (dữ liệu Mỹ) nhưng không có nghĩa rằng không giống đa số là không được chấp nhận.
Hai giả thuyết về nguyên nhân gây ra TDĐG đang được giới khoa học thế giới chấp nhận:
1. Một giả thuyết cho rằng xu hướng TDĐG là sự lựa chọn của tuổi vị thành niên, có thể thay đổi bất cứ lúc nào bằng cầu nguyện hoặc bằng cách giải thích cho hiểu rõ. Hành vi TDĐG giống như hành vi nghiện ma túy, đôi khi rất khó cai.
2. Giả thuyết kia chứng minh xu hướng TDĐG là do có những thay đổi khó nhận biết ở bản thân các gen, ở tác dụng qua lại giữa các gen và bộ phận cảm thụ hormone của các trung tâm thần kinh (vùng dưới đồi, não giữa) nơi chi phối mọi hành vi, cảm xúc tình dục. Do đó nó hình thành từ rất sớm, muộn nhất thì cũng vào tuổi đi học, nhiều khi còn hình thành từ trước khi sinh, có lẽ ở lúc thụ thai và cha mẹ hoàn toàn không kiểm soát được.
Có rất nhiều bằng chứng ủng hộ cho giả thuyết thứ hai. Vì thế, những người TDĐG chỉ là nạn nhân của một cấu trúc sinh học mà họ không thể thay đổi được. Nhiều người đã xem xét vấn đề TDĐG dưới góc độ đạo đức và tôn giáo mà không quan tâm đến các yếu tố di truyền, sinh học một cách nghiêm túc để hiểu rõ xu hướng tình dục này. Nó không có hại cho cộng đồng vì không lây lan, chỉ thuộc một số người hạn chế, nó không đe dọa sự tồn tại của giống loài, cũng chỉ liên quan đến một số đàn ông và đàn bà thường rất hiền lành. Cốt lõi của vấn đề là chấp nhận hay không chấp nhận.
Lưỡng tính dục
Sự hấp dẫn tính dục với cả 2 giới. Ngay từ năm 1948 và 1953 khi nghiên cứu về hành vi tình dục ở nữ và nam, Alfred Kinsey đã cho rằng xu hướng lưỡng tính dục hình như có ở đa số người, nghĩa là có hấp dẫn tính dục phần nào đối với cả 2 giới tuy có ưu trội hơn về giới nào đó. Theo Kinsey, chỉ có khoảng 5-10% dân số thuộc loại hoàn toàn có xu hướng tính dục khác giới hay đồng giới. Cũng có một số ít người được coi là lưỡng tính dục đích thực nghĩa là có hấp dẫn tính dục như nhau đối với cả 2 giới, không có sự ưu trội với giới nào.
Lưỡng tính dục có lịch sử toàn cầu: Ở các nước phương Tây, những người tình dục đồng giới nam nữ đôi khi chấp nhận cái nhãn hiệu là lưỡng tính dục để không bị kỳ thị nhưng cũng có nhiều người cảm thấy không thuộc về cộng đồng nào cả nên đã thành lập cộng đồng riêng và có những hoạt động của riêng họ.
Không có hấp dẫn tính dục
Có nhiều mức độ và người ta đã chia thành 4 nhóm như sau:
Nhóm A: Không có hấp dẫn mang tính chất lãng mạn nhưng có ham muốn như hệ quả của một phản ứng hóa học chứ không hướng vào một đối tượng cụ thể.
Nhóm B: Có hấp dẫn mang tính chất lãng mạn nhưng không có ham muốn tình dục. Những người này có quan tâm đến mối quan hệ với ai đó nhưng không muốn đi đến hoạt động tình dục.
Nhóm C: Vừa có khả năng ham muốn lẫn hấp dẫn có tính lãng mạn nhưng không có nhu cầu kết đôi để chung sống.
Nhóm D: Không có cả hấp dẫn lẫn ham muốn và có lẽ những người này dễ chan hòa với xã hội nhất.
Điểm chung của 4 nhóm trên đều là không có hấp dẫn về mặt tính dục. Nhóm B và C là 2 nhóm cảm thấy muốn tham gia vào một mối quan hệ do đó ở vào vị trí khó khăn vì đại đa số con người là có tính dục do đó những người này hoặc phải thương lượng với bạn tình để chỉ “quan hệ suông” hoặc phải sống một mình.
Có rất nhiều nghiên cứu về xu hướng “không có hấp dẫn tính dục”, vì thế nhiều người cho rằng đó là một bệnh về tâm lý-tính dục, là xu hướng tình dục đồng giới bị đè nén hoặc thiếu hormone phù hợp. Viện nghiên cứu về tình dục Kinsey lại cho rằng “không có hấp dẫn tính dục” cũng là một xu hướng tự nhiên. Một số tôn giáo hay giáo phái tin rằng “không có hấp dẫn tính dục” được xem là thuộc đẳng cấp cao hơn vì không còn vướng bận gì với bụi trần, cửa Thiên đàng đã mở rộng; trong khi nhiều tín ngưỡng khác coi trẻ em như là tặng vật do Chúa ban cho không ai có thể khước từ.
Đôi điều cần bàn thêm
Chỉ riêng yếu tố sinh học đã tạo nên vô số dạng nhân cách. Xã hội hiện đại là một xã hội khoan dung và không còn là xã hội lưỡng cực (chỉ thừa nhận 2 giới nam và nữ), mọi nhân cách không có hại cho cộng đồng, không ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục cần được tôn trọng dù thuộc nguồn gốc nào (giới mập mờ, rối loạn bản sắc giới, xu hướng tình dục).
Mặc dầu phổ nhân cách được dung nạp là rộng nhưng cũng có những nhân cách do XHTD bất thướng và sai lạc tạo nên vẫn không được xã hội văn minh chấp nhận, ví dụ những kẻ bệnh hoạn tình dục, có những hành vi tình dục sai lạc (thích tình dục với trẻ em với động vật…).
Điều băn khoăn là sự tôn trọng các XHTD khác nhau đã không được đề cập đến, như vậy có nghĩa là những người có XHTD thuộc diện thiểu số sẽ là nhóm người phải chịu nhiều thiệt thòi (không được sự quan tâm giúp đỡ của y tế cộng đồng, sự bảo vệ của pháp luật và phải chịu nhiều sự kỳ thị khác).
Cũng đã đến lúc cần cung cấp cơ sở pháp lý và những quy định về công nghệ y học (liên quan đến những chẩn đoán, thời điểm can thiệp ngoại khoa, các phương pháp điều trị nội tiết, tâm lý) cho mong muốn được chuyển giới của một số người thuộc giới mập mờ và rối loạn bản sắc giới nếu như coi họ là một thành phần trong cơ cấu dân số và cũng được hưởng những quyền lợi để nâng cao chất lượng dân số của cộng đồng.