Rối loạn Stress sau sang chấn (PTSD)

Rối loạn Stress sau sang chấn (PTSD)

1. Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là gì?

Trước tiên, chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu từ một tình trạng rất phổ biến trong đời sống hàng ngày đó là căng thẳng (stress).

Tình trạng căng thẳng được hiểu như là một phản ứng thích nghi trước một tác động từ phía môi trường xung quanh. Bao gồm: tình huống gây căng thẳng từ môi trường và phản ứng với căng thẳng từ phía cá nhân.

Khi gặp tình huống căng thẳng từ phía môi trường, dù là thật hay tưởng tượng, cơ chế tự bảo vệ của cơ thể chúng ta sẽ tăng tốc trong quá trình tự động cấp tốc này, được gọi là phản ứng căng thẳng. Phản ứng căng thẳng này bao gồm: đánh lại (fight), chạy trốn (fly) và đóng băng (frozen). Mục đích của chúng là giúp cho cá nhân tạo ra một trạng thái cân bằng mới sau khi chịu tác động từ phía môi trường.

Rối loạn stress sau sang chấn 3

Phản ứng căng thẳng của một người khi gặp phải một tình huống đau khổ, xáo trộn sâu sắc như là chiến tranh ác liệt, thiên tai, cháy nhà, bị tra tấn, khủng bố, cưỡng dâm,… Người đó sẽ cảm giác tuyệt vọng, giảm khả năng cảm nhận về bản thân bao gồm cảm xúc và suy nghĩ về thực tại (tình trạng sang chấn) được gọi là căng thẳng sang chấn.

Nếu một người có phản ứng căng thẳng này đến chậm và dai dẳng hơn sau sự kiện kích hoạt sang chấn xảy ra mà qua thời gian không có sự thuyên giảm nào sẽ được theo dõi tình trạng căng thẳng sau sang chấn. Tình trạng này vẫn sẽ được các chuyên gia về sức khỏe tâm thần theo dõi và đánh giá. Nếu qua quá trình theo dõi này, những triệu chứng trên phù hợp với tiêu chuẩn chẩn đoán thì có thể kết luận là rối loạn stress sau sang chấn.

2. Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) xuất hiện như thế nào?

Rất nhiều người trong chúng ta đều trải nghiệm qua một biến cố đau buồn nào đó trong suốt cuộc đời. Đôi khi, một số người vượt qua những trải nghiệm đó mà không phải gánh chịu tác động lâu dài nào. Nhưng với một số khác, những trải nghiệm ấy vẫn còn dai dẳng, gây ra những hồi tưởng lại các hồi ức tiêu cực, những cơn ác mộng hay những suy nghĩ, cảm xúc làm xáo trộn cuộc sống hằng ngày.

Liệu những trải nghiệm này có phải do sự yếu đuối về tâm lý của một cá nhân, họ không đủ khả năng để vượt qua biến cố như chúng ta thường hình dung? Hãy hỏi rằng: “Liệu những trải nghiệm này có phải là triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), một rối loạn khá phổ biến mà cứ 100 người Mỹ thì có 8 người mắc ít nhất 1 lần trong đời? Đây là câu hỏi được đặt ra trên góc nhìn tâm lý lâm sàng. Và những vấn đề tâm lý trên, sẽ được nhìn nhận như là một phần của “bức tranh tổng thể” tâm lý con người hơn là kết luận một chiều từ cái nhìn về một “vùng màu đơn sắc rực rỡ” nào đó.

Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) được công nhận chính thức vào năm 1980 trong Sổ tay chẩn đoán các rối loạn tâm thần phiên bản III (DSM-III) của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ. Nhưng rối loạn này đã được biết đến từ trước vào thế chiến thứ nhất với cái tên Shell Shock (nghĩa đen là: cú sốc do đạn trái phá).

Người ta nhận thấy những binh sĩ mặc dù đã giải ngũ và có cuộc sống như mọi người nhưng sau một thời gian, họ xuất hiện những biểu hiện tâm lý bất thường. Tới thế chiến thứ hai, nó được biết đến nhiều hơn nhưng rối loạn stress sau sang chấn chỉ thực sự được chú ý và nghiên cứu vào năm 1980, khi các bác sĩ tâm thần Mỹ nghiên cứu về một hội chứng gọi là “Hội chứng sau chiến tranh Việt Nam” xuất hiện ở khoảng 700.000 cựu binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam (1965 – 1973).

Rối loạn stress sau sang chấn không những xuất hiện từ các cuộc chiến tranh, mà nó còn xuất hiện ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống của mỗi người. Thông thường, sẽ sau các tai họa như bị bạo hành, cưỡng hiếp, cái chết của người thân, biến cố trong gia đình, tai nạn xe hay máy bay, lũ lụt, động đất, những sự kiện thiên tai khác hay khủng bố. Như sự kiện khủng khiếp ngày 11/9 tại Mỹ là một ví dụ điển hình. Có rất nhiều trường hợp được ghi nhận mắc rối loạn stress sau sang chấn sau đó.

Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)

 

3. Những dấu hiệu nào cho thấy bạn có nguy cơ mắc Rối loạn stress sau sang chấn

Đa phần những người trải qua các sự kiện sang chấn có thể tạm thời gặp khó khăn để điều chỉnh. Qua thời gian và việc tự hồi phục, họ trở nên tốt hơn. Nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, kéo dài trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn thì có thể bạn đang đương đầu với rối loạn stress sau sang chấn.

Đó là những phản ứng căng thẳng chẳng hạn như trải qua những cơn hồi tưởng, ác mộng và lo lắng quá mức hay những suy nghĩ không thể kiểm soát sau sự kiện kích hoạt sang chấn xảy ra. Khi bạn gặp phải các dấu hiệu bên dưới kéo dài hơn một tháng, bạn đã có nguy cơ mắc rối loạn stress sau sang chấn.

3.1. Các triệu chứng liên quan đến việc tái trải nghiệm sự kiện sang chấn

  • Có những giấc mơ xấu, hoặc những ký ức đau khổ về sự kiện này.
  • Hành xử hoặc cảm thấy như thể sự kiện đã thực sự xảy thêm lần nữa.
  • Phản ứng phân ly khỏi thực tại hoặc mất nhận thức về mọi thứ xung quanh ở hiện tại.
  • Trải nghiệm những cảm xúc mãnh liệt khi nhắc về sự kiện.
  • Có những cảm giác thể lý mãnh liệt khi nhắc về sự kiện (tim đập hoặc lỡ nhịp, đổ mồ hôi, khó thở, cảm thấy muốn ngất xỉu, mất kiểm soát).

3.2. Các triệu chứng liên quan đến việc tránh nhắc nhớ về sự kiện sang chấn

  • Tránh né suy nghĩ, các câu trò chuyện hoặc cảm xúc về sự kiện đó.
  • Tránh người hoặc địa điểm liên quan đến sự kiện.

3.3. Triệu chứng liên quan đến thay đổi tiêu cực trong suy nghĩ hoặc tâm trạng

  • Khó có thể nhớ lại phần quan trọng của sang chấn.
  • Cảm thấy tê hoặc mất cảm giác với mọi thứ xung quanh.
  • Thiếu hứng thú với các hoạt động xã hội.
  • Không có thể trải nghiệm tâm trạng tích cực.
  • Bi quan về tương lai.

3.4. Triệu chứng liên quan đến trạng thái bồn chồn và tăng cảnh giác

  • Khó ngủ bao gồm khó vào giấc hoặc khó ngủ sâu.
  • Cáu gắt và bộc phát cơn giận.
  • Khó tập trung.
  • Cảm thấy dễ giật mình.
  • Tăng cảnh giác với xung quanh.

Các triệu chứng khác liên quan đến trạng thái giải thể nhân cách (cảm giác tách rời khiến một người cảm thấy như đang quan sát chính mình từ bên ngoài cơ thể, suy nghĩ/cảm xúc của chính họ) hoặc trạng thái tri giác sai thực tại (nhận thức không thực tế về môi trường xung quanh) cũng có thể xảy ra đối với một số người.

Hãy đến tìm gặp bác sĩ tâm thần hoặc chuyên viên tâm lý lâm sàng để theo dõi vì có thể bạn đang gặp phải vấn đề liên quan đến rối loạn stress sau sang chấn.

Triệu chứng căng thẳng sau sang chấn

4. Điều gì gây ra Rối loạn stress sau sang chấn?

Rối loạn stress sau sang chấn thường xảy ra khi nạn nhân chứng kiến hoặc trải nghiệm ​​một sự kiện căng thẳng gây nên sang chấn. Sự kiện đó có khả năng đe dọa tính mạng, gây thương tích nghiêm trọng hoặc bạo lực tình dục. Các loại sự kiện có khả năng gây ra rối loạn stress sau sang chấn là:

  • Tai nạn nghiêm trọng.
  • Thiên tai như cháy rừng, lũ lụt và động đất.
  • Sống trong vùng chiến sự, là người lính hoặc nạn nhân của chiến tranh.
  • Bị tấn công tình dục hoặc đe dọa tấn công tình dục.
  • Bị tấn công thể lý nghiêm trọng.
  • Thấy người khác bị thương hay bị giết.

Bất cứ ai cũng có thể phát triển rối loạn stress sau sang chấn, nhưng một số người có nguy cơ cao hơn. Lý do tại sao một số người phát triển rối loạn stress sau sang chấn hơn những người khác chưa hoàn toàn được hiểu rõ. Một ví dụ khác là khi bạn gặp đổ vỡ trong mối quan hệ hay mất việc. Có thể bạn sẽ cảm thấy đau khổ, nhưng lại không gây ra rối loạn stress sau sang chấn, vậy tại sao? Chúng ta sẽ hiểu được qua những yếu tố phát sinh rối loạn.

5. Các yếu tố phát sinh Rối loạn stress sau sang chấn

Phần lớn các rối loạn sức khỏe tâm thần là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau chứ không chỉ là một yếu tố duy nhất gây ra. Rối loạn stress sau sang chấn cũng vậy, nguyên nhân gây ra rối loạn vẫn chưa thể kết luận. Nhưng những nghiên cứu đã cho thấy rằng, các yếu tố sau đóng góp vào sự phát sinh và tiến triển của rối loạn:

5.1. Cơ chế sinh tồn

Như có đề cập ở phần 1, rối loạn stress sau sang chấn có liên quan đến một cơ chế bản năng nhằm giúp bảo vệ con người trước những trải nghiệm đau thương. Ví dụ, như những triệu chứng liên quan đến tái trải nghiệm sự kiện sang chấn có thể buộc bạn phải suy nghĩ chi tiết về sự kiện này để bạn chuẩn bị tốt hơn nếu nó xảy ra lần nữa. Hay triệu chứng liên quan đến trạng thái bồn chồn và tăng cảnh giác có thể phát triển để giúp bạn phản ứng nhanh chóng trong một cuộc khủng hoảng khác.

Nhưng trong khi những phản ứng này có thể nhằm giúp bạn sống sót. Xong thực tế chúng rất lại gây khó khăn khi bạn không thể kiểm soát được những phản ứng đó hoặc chưa thể chấp nhận những trải nghiệm đau thương.

5.2. Nồng độ adrenaline cao

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị rối loạn stress sau sang chấn có nồng độ các hormone do căng thẳng tăng cao bất thường. Thông thường, Khi gặp tình huống căng thẳng từ phía môi trường, dù là thật hay tưởng tượng, cơ thể sẽ sản sinh ra các hormone gây căng thẳng như adrenaline để kích hoạt phản ứng của cơ thể. Cơ chế này, được gọi là phản ứng căng thẳng. Phản ứng căng thẳng này bao gồm: đánh lại (fight), chạy trốn (fly) và đóng băng (frozen). Phản ứng này giúp cá nhân sinh tồn khi găp căng thẳng.

Ở người mắc rối loạn stress sau sang chấn, lượng lớn hormone do căng thẳng này vẫn được sản sinh ngay cả khi không có nguy hiểm. Một số giả định cho rằng, yếu tố này gây nên những triệu chứng liên quan đến thay đổi tiêu cực trong suy nghĩ hoặc tâm trạng của những người đó.

5.3. Thay đổi cấu trúc não bộ

Ở những người bị rối loạn stress sau sang chấn, các phần của bộ não liên quan đến xử lý cảm xúc có sự khác biệt với nhóm bình thường khi não được quét bằng kỹ thuật hình ảnh. Một phần của bộ não chịu trách nhiệm về trí nhớ và cảm xúc được gọi là đồi hải mã. Ở những người bị rối loạn stress sau sang chấn, đồi hải mã có kích thước nhỏ hơn. Có giả thuyết cho rằng những thay đổi trong phần não này có thể liên quan đến nỗi sợ hãi và lo lắng, tạo nên các triệu chứng liên quan đến việc tái trải nghiệm sự kiện sang chấn thông qua các trí nhớ và ký ức.

Sự thay đổi ở đồi hải mã của não bộ có thể thay đổi quy trình xử lý đúng của phần trí nhớ và ký ức thông qua những trải nghiệm mà ta trải qua khi hồi tưởng hay lúc gặp ác mộng. Từ đó, tạo ra những cảm xúc tiêu cực. Chu trình này củng cố sự nghiêm trọng của triệu chứng. Trên các cơ sở đó, trị liệu tâm lý với nhóm rối loạn stress sau sang chấn sẽ quan tâm nhiều đến quá trình xử lý đúng các ký ức và trải nghiệm.

6. Điều trị Rối loạn stress sau sang chấn

Rối loạn stress sau sang chấn có liên quan đến sự thay đổi quy trình xử lý đúng của phần trí nhớ và ký ức thông qua những trải nghiệm mà ta trải qua khi hồi tưởng hay lúc gặp ác mộng. Từ đó, tạo ra những cảm xúc tiêu cực. Chu trình này củng cố sự nghiêm trọng của triệu chứng. Rối loạn stress sau sang chấn gây ra sự đau khổ, rối loạn hoạt động xã hội – nghề nghiệp hay trong các lĩnh vực quan trọng khác. Nhưng hoàn toàn có thể điều trị bằng liệu pháp tâm lý và dược lý.

6.1. Tâm lý trị liệu

Các liệu pháp trị liệu rối loạn stress sau sang chấn thường được thường được sử dụng đều được phát triển trên lý thuyết nhận thức hành vi (CBT). Nền tảng của lý thuyết xoay quanh việc thay đổi các kiểu mẫu suy nghĩ đang làm ảnh hưởng cuộc sống của bạn. Điều này có thể xảy ra thông qua việc nói về sang chấn của bạn hay nhận diện và chấp nhận về nơi nỗi sợ của bạn bắt đầu. Tùy thuộc vào điều kiện, các nhà tâm lý sẽ khuyến nghị về hình thức trị liệu sẽ là nhóm, gia đình hay vẫn là cá nhân.

Trị liệu PTSD có ba mục tiêu chính:

  • Cải thiện triệu chứng của bạn.
  • Xây dựng các kỹ năng ứng phó với stress và đương đầu sang chấn.
  • Khôi phục lòng tự trọng (self-esteem).

Liệu pháp tiếp xúc kéo dài (Prolonged Exposure – PE)

Liệu pháp PE được coi là một điều trị hiệu quả cho rối loạn stress sau sang chấn. Cách thức liệu pháp bao gồm các kỹ thuật hướng dẫn thân chủ cách kiểm soát thông qua việc đối mặt với những cảm xúc tiêu cực của bản thân.

Quy trình bao gồm việc bệnh nhân nói về chấn thương của bản thân với một nhà trị liệu. Và từng bước giúp bệnh nhân lập lại với những suy nghĩ, cảm xúc, ký ức và vấn đề mà người bị chấn thương mà bệnh nhân đã và đang tránh né kể từ khi gặp sự kiện chấn thương.

Liệu pháp PE này được xây dựng dựa trên lý thuyết học tập của Ivan Pavlov. Khi một chấn thương xảy ra, có rất nhiều yếu tố phụ xuất hiện trong môi trường như: mùi hương, khung cảnh, âm thanh… Chúng được ghi nhớ kết hợp với việc ghi nhớ những chấn thương. Và khi chúng ta gặp phải những yếu tố bên ngoài đó, não bộ sẽ hoạt hoá những kí ức về chấn thương. Điều này gây sợ hãi và lo lắng, khi đó, các triệu chứng xuất hiện.

Mục tiêu của liệu pháp PE là giúp bệnh nhân từng bước tiếp xúc lại với những trải nghiệm mà họ tránh né từ khi chấn thương xảy ra. Dần dần giúp bệnh nhân tương tác lại với cuộc sống hằng ngày.

Liệu pháp xử lý nhận thức (Cognitive Processing Therapy – CPT)

Liệu pháp xử lý nhận thức là liệu pháp điều trị rối loạn stress sau sang chấn đã được chứng minh là có hiệu quả cao về mặt lâm sàng, trên nền tảng lý thuyết nhận thức – hành vi.

Quy trình khái quát bao gồm:

  • Bắt đầu cung cấp cho bệnh nhân những thông tin liên quan đến rối loạn stress sau sang chấn, suy nghĩ và cảm xúc. Bệnh nhân ý thức hơn về mối quan hệ giữa suy nghĩ, cảm xúc và bắt đầu để xác định “những suy nghĩ tự động”. Bệnh nhân bắt đầu hình dung về việc tại sao sự kiện đau buồn xảy ra và tác động của nó đối với niềm tin về bản thân, những người khác và cả thế giới.
  • Tiếp theo, bệnh nhân bắt đầu làm việc về những chấn thương của bản thân. Bệnh nhân hình dung và mô tả lại quá trình trải nghiệm chấn thương. Nhà trị liệu bằng các kỹ thuật của CBT như câu hỏi Socrate và các chiến lược khác để giúp bệnh nhân nhận ra những suy nghĩ vô ích của mình về chấn thương (ví dụ, tự đổ lỗi cho những suy nghĩ) và từng bước sửa đổi.
  • Cuối cùng, là khi bệnh nhân đã phát triển các kỹ năng để xác định và giải quyết những niềm tin không thích nghi về chấn thương tâm lý của bản thân. Lượng giá hiệu quả tiến trình.

Liệu pháp giải mẫn cảm chuyển động mắt và tái xử lý thông tin (EyeMovement Desensitization and Reprocessing – EMDR)

Đây là liệu pháp được khởi xướng bởi nhà tâm lý học người Mỹ Francine Shapiro. Bà phát hiện ra rằng: “Những suy nghĩ tiêu cực đơn giản có tính ám ảnh” biến mất khi làm cho đôi mắt của bà di chuyển tới lui thật nhanh từ trái sang phải. Sau đó bà thực nghiệm những điều đó trên các bệnh nhân và phát hiện có tính hiệu quả, đặc biệt là những bệnh nhân mắc rối loạn stress sau sang chấn.

Liệu pháp EMDR dựa trên triết lý rằng: Tinh thần có khả năng tự chữa lành. Trong liệu pháp này, các chuyển động mắt “giải phóng” các thông tin chấn thương và kích hoạt lại hệ thống chữa lành tự nhiên của vỏ não. Không khẳng định sự chắc chắn, Francine Shapiro đề xuất một sự liên quan giữa EMDR và giấc ngủ REM. Đây là thời điểm người ta mơ, là lúc người ta sắp xếp lại các phần của trí nhớ. Khi đó, các ký ức kèm cảm xúc tiêu cực sẽ “định dạng lại” quá trình này.

Quy trình giúp bệnh nhân hiểu và kích hoạt cơ chế tự chữa lành chấn thương của bản thân. Nó liên quan đến việc kêu gọi lại những ký ức chấn thương trong tâm trí của bệnh nhân, đồng thời chú ý đến chuyển động tới lui những ngón tay của nhà trị liệu, âm thanh và ánh sáng xung quanh.

Các liệu pháp khác: một số liệu pháp tâm lý khác đã được nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả trong điều trị rối loạn stress sau sang chấn có thể kể đến bao gồm:

  • Liệu pháp cam kết và chấp nhận (Acceptance and Commitment Therapy) (Hayes, 1999).
  • Liệu pháp kể chuyện (Neuner, 2002).
  • Liệu pháp giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MindfulnessBased Stress Reduction) (MBSR) (KabatZinn, 2006).
  • Somatic experiencing (Levine, 2010).
  • Brief eclectic psychotherapy (Schnyder, 2011).

6.2. Điều trị bằng thuốc

Có sự khác biệt trong hoạt động của não bộ của những người bị rối loạn stress sau sang chấn khi phản ứng với các tác nhân gây căng thẳng. Một phần vì sự mất cân bằng nồng độ của các hóa chất thần kinh được gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Người mắc rối loạn stress sau sang chấn sẽ dễ dàng kích hoạt với phản ứng căng thẳng (đánh lại, chạy trốn, đóng băng). Điều này làm cho thân chủ tăng nặng triệu chứng.

Có thể dùng thuốc để điều trị PTSD

Việc cố gắng ngưng căng thẳng có thể dẫn đến những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Một số loại thuốc bằng việc ảnh hưởng đến các hóa chất trong não liên quan đến sợ hãi và lo lắng sẽ giúp bạn giảm triệu chứng, bao gồm cả những cơn ác mộng và hồi tưởng. Thuốc còn tác động đến cảm xúc, giúp bạn cảm thấy tốt hơn.

Những trải nghiệm về sang chấn còn dai dẳng, gây nên hồi tưởng về hồi ức tiêu cực, cơn ác mộng hay những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực làm xáo trộn cuộc sống hằng ngày, đây có thể là biểu hiện của Rối loạn stress sau sang chấn.

Bất cứ ai cũng có thể phát triển PTSD. Nó là kết quả của nhiều yếu tố phát sinh khác nhau chứ không chỉ là một yếu tố duy nhất. PTSD gây ra sự đau khổ, rối loạn hoạt động xã hội – nghề nghiệp hay trong các lĩnh vực quan trọng. Nhưng hoàn toàn có thể điều trị bằng liệu pháp tâm lý và dược lý. Bạn hoàn toàn không đơn độc. Vì vậy, ngay khi có những trải nghiệm tồi tệ trên, hãy liên lạc với những chuyên gia sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ.


>> Nguồn: https://youmed.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *